Quy hoạch sân bay: Nhiều tỉnh bị từ chối vì chưa khả thi

Thứ Ba, 11/05/2021, 09:10
Vào đầu tháng 5/2021, Cục Hàng không Việt Nam đã trình tới Bộ GTVT báo cáo thẩm định quy hoạch cảng hàng không. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị giữ nguyên số lượng 28 sân bay trên toàn quốc đến năm 2030; đến năm 2050 bổ sung thêm sân bay Cao Bằng. Như vậy, đề xuất quy hoạch sân bay trước đó của các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Hà Tĩnh đều chưa được chấp thuận.


Nhiều cảng hàng không đang phải bù lỗ

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT), Cục Hàng không Việt Nam và đơn vị tư vấn đã đưa ra 6 tiêu chí chính, 22 tiêu chí chi tiết để xem xét quy hoạch cảng hàng không mới. 6 tiêu chí là dự báo nhu cầu sản lượng hành khách, vai trò thúc đẩy kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, khẩn nguy cứu trợ, điều kiện tự nhiên và tiếp cận đường bộ với trung tâm đô thị. 

Trong 6 tiêu chí này, nhu cầu về sản lượng, điều kiện tự nhiên là quan trọng nhất. Trên cơ sở các tiêu chí, từng sân bay được đơn vị tư vấn tính toán theo các thang điểm. Số lượng sân bay đã được xem xét kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với điều kiện tự nhiên, thực trạng cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. 

Nhiều cảng hàng không đang trong tình trạng... lỗ. 

Ông Dũng cũng cho hay, các cảng hàng không của Việt Nam hiện nay có lượng khách dưới 2 triệu mỗi năm đều đang phải bù lỗ. Do đó, các sân bay mới nếu cự ly tiếp cận tới các cảng hàng không lân cận dưới 100km, theo kinh nghiệm quốc tế là hiệu quả không cao. Điều này nghĩa là xây sân bay quá gần nhau (giữa hai tỉnh, thành) sẽ không hiệu quả. 

Với góc nhìn chuyên gia, ông Phạm Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, các đề xuất quy hoạch sân bay của địa phương thời gian qua phần lớn "cảm tính", chưa khảo sát, tính toán đầy đủ. Ví dụ Hà Giang đề xuất tận dụng sân bay quân sự song vẫn cần mở rộng diện tích nếu trở thành sân bay dân sự, trong khi diện tích đất và vùng trời đều hạn chế. 

Cùng đó, phần lớn sân bay nội địa hiện nay chưa đạt công suất thiết kế, một số sân bay thường vắng khách trong giai đoạn đầu như Vân Đồn, Cần Thơ... Do đó, hiệu quả đầu tư sân bay cần tính toán kỹ, như người dân Hà Tĩnh đến sân bay Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình) không quá xa, hay người dân ở Ninh Bình có thể đi các sân bay khác như Cát Bi (Hải Phòng) và Thọ Xuân (Thanh Hóa) trong khoảng cách gần 100km.

Lo ngại “lạm phát” sân bay

Theo thống kê, mật độ xây dựng sân bay của Việt Nam hiện mới đạt 16.000km2/cảng hàng không, là mức trung bình so với các nước trong khu vực. Hiện Việt Nam mới chỉ có 23 cảng hàng không/sân bay, trong khi Thái Lan với dân số nhỏ hơn Việt Nam đang có hơn 60 sân bay lớn nhỏ (đa số có chứng nhận của ICAO, IATA).

Dù dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không/sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 của Bộ GTVT chỉ đề xuất bổ sung lên thành 28 sân bay vào năm 2030 và 29 sân bay vào năm 2050, nhưng nhiều địa phương đã mong muốn xây thêm sân bay khi góp ý bổ sung quy hoạch. Việc bổ sung ồ ạt các sân bay gây lo ngại về tình trạng lạm phát sân bay, đặc biệt khi đa số các sân bay địa phương đều không có lãi. Song ở khía cạnh khác, nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương thay vì mong muốn xây sân bay cho bằng tỉnh bạn, có thể đề xuất phát triển sân bay cỡ nhỏ, sân bay chuyên dùng để phát triển du lịch, phục vụ giao thương. 

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, các địa phương nên nghiên cứu mạng lưới sân bay nhỏ với đường băng ngắn, dành cho dòng máy bay nhỏ khai thác tầm thấp như ATR72, hoặc dòng máy bay chuyên dùng dưới 20 chỗ ngồi, phục vụ nhu cầu du lịch hoặc cứu thương, an ninh, quốc phòng… 

“Việt Nam có rất nhiều sân bay quân sự do lịch sử để lại hiện đang hoạt động rất ít, các địa phương có thể chuyển kết hợp thành sân bay lưỡng dụng nhưng quy mô nhỏ, phục vụ du lịch, giao thương điểm nối điểm, kết nối giữa các địa phương mà không cần trung gian qua các sân bay lớn tại các TP lớn”, ông Tống khuyến nghị. 

Chuyên gia này cũng cho rằng, với các sân bay cỡ nhỏ, việc giao cho tư nhân đầu tư hoàn toàn khả thi với phương châm “lời ăn lỗ chịu”. Thực tế, Việt Nam đã có tiền lệ là mô hình sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) hoàn toàn do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, chịu trách nhiệm quản lý và lỗ lãi trong quá trình vận hành, qua đó giảm gánh nặng cho ngân sách.

Phạm Huyền
.
.
.