Quy hoạch đô thị chống ngập vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Bảy, 31/10/2015, 06:25
Thời gian qua, hàng loạt đô thị tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngập nặng không phải do lũ từ thượng nguồn mà do triều cường. Dự báo đến năm 2050 và năm 2100, nếu ĐBSCL không có kế hoạch quy hoạch đô thị hợp lý thì khả năng nhiều đô thị của vùng ngập nặng do biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng (NBD).

Ông Hồ Phi Long, Giám đốc Trung tâm Quản lý tài nguyên nước và BĐKH (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết: Hiện nay dự báo cả nước có khoảng 40 tỉnh, thành có nguy cơ ngập sâu do tác động của lũ lụt, sạt lở đất, nước dâng, xâm thực mặn. Các địa phương gồm: 5 tỉnh, thành thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, toàn bộ vùng duyên hải Trung bộ (14 tỉnh), 13 tỉnh vùng ĐBSCL, 7 tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ. Trong đó, 11 tỉnh, thành có nguy cơ ngập rất nặng như: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau.

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Việt Nam (Bộ Xây dựng): “Mạng lưới đô thị tuy bắt đầu hình thành theo định hướng không gian đô thị toàn vùng nhưng liên kết giữa các đô thị chưa chặt chẽ và đồng đều. Các dự án hạ tầng như cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải còn thiếu và chậm triển khai. Các đô thị lớn, trung tâm công nghiệp, nông nghiệp của vùng nằm ở khu vực dễ bị tổn thương do BĐKH…”.

Nhiều đô thị bị ngập sâu do mưa, triều cường hoặc bị nước mặn tiến sâu vào nội đồng có thể lý giải do các công trình hạ tầng kĩ thuật đô thị chưa hoàn chỉnh hoặc không có. Các trục tiêu thoát nước chính bị bồi lắng, thu hẹp không đảm bảo tiêu thoát nước trong mùa mưa. Công trình đầu mối, cầu cạn, cống thoát chưa tính toán đủ cho nhu cầu thoát nước, nhiều tuyến giao thông đang biến thành những con đê cản trở việc thoát nước gây ngập úng…

Nội ô TP Cần Thơ ngập vào cuối tháng 10/2015 dù trời không mưa.

PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (VIUP) cho rằng, theo kịch bản BĐKH và NBD ở Việt Nam của Bộ Tài nguyên - Môi trường năm 2012, nhiệt độ trung bình năm đến 2050 tăng từ 0,5-1,6 độ C, lượng mưa tăng từ 2-4%, mực NBD từ 23-27cm thì đến 2100 các chỉ tiêu trên tăng lần lượt từ 1,5-2,8 độ C, lượng mưa từ 4-8%, NBD tăng từ 59-75cm. Tác động của BĐKH và NBD ảnh hưởng đến các vấn đề quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL. “Theo kịch bản dòng chảy kiệt thượng lưu giảm 15%, vùng ĐBSCL có 52,4% diện tích bị mặn xâm chiếm (tăng hơn 311.000 ha so với hiện nay). Nguồn nước ở hàng loạt đô thị bị mặn”, PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường nói. Ngoài ra, ứng với kịch bản lũ thượng lưu tăng 15% đến năm 2050 thì có gần 3.200.000 ha (chiếm gần 83,7% diện tích vùng ĐBSCL) bị ngập sâu hơn 0,5m và có hơn 2.400.000 ha (chiếm 64,5% diện tích toàn vùng) bị ngập trên 1m. Trong đó, Cần Thơ và Vĩnh Long là 2 đô thị sẽ ngập nặng nề nhất. Trong mùa lũ, việc thoát nước của các đô thị sẽ rất khó khăn, nay do BĐKH và NBD sẽ càng khó khăn hơn. Các đô thị như Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau với mức ngập trên 0,5m sẽ kéo dài từ 5-7 tháng. Bà Trần Thị Lan Anh phân tích: “Đặc biệt, TP Cần Thơ đang đối mặt ngập lụt do triều cường chứ không phải do lũ từ thượng nguồn tràn về như trước đây”.

Tại hội thảo quốc gia về “Quy hoạch đô thị chống ngập thích ứng với biến đổi khí hậu” được tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 27-8 vừa qua, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp về quy hoạch đô thị cho vùng ĐBSCL. Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, sự phát triển kinh tế, xã hội và gia tăng dân số làm đô thị hoá tự phát, gia tăng nguy cơ ngập sâu và kéo dài. Vì vậy, xây dựng năng lực thích ứng của từng địa phương về khả năng chống ngập là vấn đề cấp thiết cần sớm giải quyết vì nó ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ con người.

Đối với vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, cần phát triển đô thị theo nguyên tắc thích ứng với lũ: các đô thị hạn chế phát triển tập trung, dành không gian chứa nước và các kênh chuyển nước lớn kết nối với hồ. Đối với đô thị trung tâm cần dành không gian giữ nước tạm thời, kiểm soát ngập lụt, phát triển đê bao, cống kiểm soát lũ, triều. Những đô thị ven biển lại phát triển phi tập trung, gắn với không gian mở dựa trên khung thiên nhiên (rừng ngập mặn, sông nước…).

Bà Lan Anh cũng phân tích: Khi quy hoạch đô thị cần dành chỗ cho nước. Thay vì xây dựng các rào cản kĩ thuật để chống chọi với nước lũ, các giải pháp quy hoạch cần tạo ra nhiều không gian cho nước, để nước thâm nhập vào đô thị tự nhiên có thể kiểm soát, qua đó giúp cải thiện vi khí hậu, cảnh quan, chất lượng nước. Vùng ĐBSCL phải xác định nơi nào là vùng chứa, thoát nước cho các mùa mưa lũ, triều cường, phù hợp với quy luật tự nhiên và có tính chủ động trong điều tiết, kiểm soát.

Văn Vĩnh – Như Anh
.
.
.