Hơn 300.000 ôtô phải lắp hộp đen có camera ghi hình:

Quan trọng là đảm bảo an toàn và không lãng phí

Thứ Hai, 13/08/2018, 08:35
Nếu Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính Phủ được thông qua, thì tới đây, khoảng 340.000 ôtô kinh doanh vận tải sẽ phải thay mới thiết bị giám sát hành trình. Vấn đề đặt ra là quy định này có tạo nên chuyển biến thực chất là đảm bảo an toàn giao thông và không gây lãng phí cho doanh nghiệp hay không?

Bởi theo Khoản 2, Điều 12 Dự thảo Nghị định quy định: “Thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc hoạt động kinh doanh vận tải, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên phải cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe và đảm bảo theo lộ trình”.

Lộ trình áp dụng: Trước ngày 1-7-2022 đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe du lịch từ 9 chỗ trở lên; trước ngày 1-7-2023 đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe container, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc; trước ngày 1-7-2024 đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên và trước ngày 1-7-2025 đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ.

Ngoài ra, Bộ GTVT còn đề xuất thêm nội dung dữ liệu hộp đen phải lưu trữ như thông tin về thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày và đề nghị bổ sung xe trung chuyển vào loại phương tiện phải gắn hộp đen.

Theo tính toán của Bộ GTVT, sẽ có trên 340.000 ôtô kinh doanh vận tải hiện phải thực hiện thay thế, bổ sung thiết bị hộp đen để đáp ứng yêu cầu về cung cấp hình ảnh lái xe. Với giá thiết bị hộp đen từ 4,5 - 5,5 triệu đồng/chiếc, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng/xe/tháng, tổng chi phí lắp đặt thiết bị mới đối với các doanh nghiệp lên tới khoảng 1.500 - 1.900 tỷ đồng kèm theo chi phí duy trì máy chủ và đường truyền khoảng 500 tỷ đồng/năm.

Việc thay thế hộp đen sẽ giúp cơ quan chức năng giám sát hoạt động vận tải chặt hơn?

Đáng chú ý, cách đây chưa đầy 2 năm, khoảng 800.000 phương tiện vận tải (xe khách, taxi, xe tải) đã phải bỏ ra khoảng trên 3.000 tỷ đồng để gắn hộp đen theo Nghị định 171/NÐ-CP.  Với quy định mới này, các thiết bị hộp đen cũ đã lắp sẽ phải thay đổi, hoặc lắp thiết bị mới.

Mặc dù Dự thảo mới được Bộ GTVT trình lên Chính phủ nhưng các chuyên gia giao thông cho rằng, việc kiểm soát, quản lý phương tiện qua GPS quan trọng nhất là đảm bảo 3 yếu tố: tốc độ vận hành, thời gian hoạt động của lái xe và chạy đúng hành trình. Hệ thống hộp đen hiện nay hoàn toàn cung cấp đầy đủ 3 thông tin trên, quan trọng là cách thức triển khai quản lý. Chưa có nước tiên tiến nào trên thế giới ép buộc doanh nghiệp phải gắn GPS. Việc lắp hay không nên để tùy thuộc vào nhu cầu quản lý phương tiện của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Cùng với đó, hàng triệu lái xe và hiệp hội vận tải địa phương đều phản đối về quy định này và cho rằng, doanh nghiệp phải bỏ tiền để lắp hộp đen theo quy định. Đáng nói, dữ liệu hộp đen hiện nay cũng chưa khai thác hết được tính năng và chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi ban đầu. Tính đến thời điểm hiện nay, thiết bị GPS gắn trên các phương tiện kinh doanh vận tải mới chỉ được cơ quan chức năng sử dụng bị động như một ổ cứng lưu trữ thông tin.

Đặc biệt, hiện có tới 30% doanh nghiệp không truyền dữ liệu hộp đen về Tổng cục Đường bộ theo quy định. Và những vụ TNGT thảm khốc vừa qua cho thấy, các phương tiện gây tai nạn đều không truyền dữ liệu hộp đen về cơ quan quản lý.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cho hay, quy định lắp hộp đen trên mới được đưa vào dự thảo nghị định. Các dự thảo trước đó Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến doanh nghiệp không có nội dung này.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, việc tích hợp thêm tính năng ghi lại hình ảnh lái xe vào GPS là khó thực hiện về mặt kỹ thuật và chắc chắn sẽ gây thêm tổn phí. “Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là phải tìm ra phương thức sử dụng hữu hiệu GPS chứ không phải “vẽ” thêm điều kiện cho doanh nghiệp mà không tận dụng, phát huy hết được tính năng của thiết bị”, ông Hùng bày tỏ.

Theo thống kê từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ đầu năm đến nay, mỗi tháng tính trung bình có hàng trăm nghìn trường hợp ôtô chạy quá tốc độ cho phép bị phát hiện thông qua thiết bị giám sát hành trình. Tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,079 lần/1.000km. Luỹ kế đến hết tháng 6-2018 trên cả nước có tổng số 979.979 lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,079 lần/1.000km.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho hay, trong tháng 6-2018 trên toàn quốc đã xử lý vi phạm đối với 1.157 xe, trong đó thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 1 tháng đối với 855 xe, từ chối cấp phù hiệu 302 xe.

Lũy kế đến hết tháng 6-2018, các Sở GTVT đã xử lý vi phạm đối với 3.869 phương tiện; trong đó thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 1 tháng là 2.913 xe; thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải 8 đơn vị; từ chối cấp phù hiệu là 948 xe.

Đặng Nhật
.
.
.