Quản lý chứ không nên hạn chế xe máy
Mở đầu Hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, thống kê tại Việt Nam, tai nạn giao thông đối với người đi xe máy chiếm hơn 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Một thống kê khác cũng cho thấy, xe máy hiện đang là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam, chiếm hơn 85% tổng số phương tiện giao thông hiện đang hoạt động trên cả nước. Cùng với những ưu điểm nổi trội như tính cơ động cao, linh hoạt, giá thành rẻ…, trong những năm tới đây, xe máy sẽ vẫn tiếp tục là phương tiện đi lại quan trọng của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, xe máy là phương tiện có nguy cơ tai nạn giao thông cao nhất trong số những phương tiện cơ giới đường bộ. Chứng minh điều này, ông Hùng đưa ra con số so sánh, năm 2013, tai nạn giao thông đô thị chiếm tới 42%, nhưng đến thời điểm này của năm nay chỉ còn 32%. Như vậy, tai nạn giao thông ngoài đô thị là cao, đặc biệt là khu vực nông thôn và các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu là do người điều khiển xe gắn máy.
Lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường xử lý người điều khiển xe máy vi phạm Luật Giao thông. |
Dù là phương tiện đi lại phổ biến ở Việt Nam, nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, những hiểu biết của các thành phố về việc quản lý phương tiện này còn rất ít. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới được thực hiện bằng cách phỏng vấn gần 6.000 người dân ở Hà Nội để tìm hiểu rõ hơn về hiện trạng sở hữu và sử dụng xe máy tại đây. Ông David Spice – Trưởng đoàn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho biết: “Có hai lý do chính để chúng tôi thực hiện nghiên cứu này. Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã dành khá nhiều nguồn lực, để đầu tư hệ thống giao thông công cộng tại các thành phố lớn. Thứ hai, cách người dân đi lại trên đường có thể được cải thiện nhiều hơn, tốt hơn cho mọi người”. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người dân Hà Nội có đặc tính sở hữu, sử dụng xe máy rất bền vững, ít sự sẵn lòng thay đổi phương thức đi lại, mặc dù lo ngại về an toàn và các điều kiện môi trường. Như vấn đề an toàn, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho biết, người đi xe máy đánh giá sự an toàn là vấn đề quan trọng, với 95% người được hỏi đội mũ bảo hiểm. Thế nhưng, chỉ có 1/4 trẻ em dưới 16 tuổi đội mũ bảo hiểm.
Ngoài ý kiến trên, một số đại biểu là chuyên gia giao thông của Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra khuyến nghị với các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam, đó là chính sách cần tập trung vào việc quản lý sử dụng hơn là quản lý sở hữu. Theo đánh giá của nghiên cứu: chính việc sử dụng ôtô, xe máy tăng thêm mới gây ra vấn đề giao thông ở Hà Nội, chứ không phải do sự gia tăng sở hữu phương tiện. Cụ thể, số kilômét trung bình mà một phương tiện đi được giảm xuống khi số phương tiện/người trong hộ gia đình tăng lên. Nếu số xe máy trong hộ gia đình giảm đi, các xe còn lại sẽ được sử dụng nhiều hơn. Vì vậy, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng: “Chúng ta không hạn chế sở hữu phương tiện, nhưng phải tạo điều kiện khuyến khích người dân tìm đến những phương thức vận tải hợp lý đối với những chuyến đi hợp lý”