Phương tiện được cấp nhận diện bằng mã QR code để xe qua chốt đỡ ùn tắc

Thứ Sáu, 09/07/2021, 07:22
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) với các tỉnh thành phố khu vực phía Nam nhằm tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển hàng hoá và hành khách ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.


Tại cuộc họp, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn thành phố đã dừng cơ bản các hoạt động giao thông. Đến ngày 9/7 sẽ dừng xe hợp đồng, taxi, xe ôm. Đường thủy chỉ duy trì bến phà Cần Giờ để phục vụ vận chuyển công nhân và hàng hóa. Khẳng định vận chuyển hàng hóa là ưu tiên số một của thành phố, ông Lâm cho hay, sẽ ưu tiên vận chuyển hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh Đông Nam Bộ, nhất là vận chuyển hàng hóa thiết yếu của vùng, xe ra vào cảng Cát Lái và xe vận chuyển hàng hóa trong vùng.

Sở GTVT thành phố đã xây dựng phương án và thống nhất với 6 Sở GTVT theo hướng tạo luồng xanh, phương tiện sẽ được cấp nhận diện bằng mã QR code để xe qua chốt không bị ùn tắc.

“Trong ngày 8/7, sẽ chuyển các mã này về cho các doanh nghiệp dán lên xe. Hàng hóa quá cảnh qua thành phố. Sở GTVT đã quy định có có 5 lộ trình đi qua thành phố, đồng thời cấp mã nhận diện cho các phương tiện đi qua", ông Lâm thông tin. Trong khi đó, đại diện tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh đã lập 22 chốt kiểm soát dịch, tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất là thời gian hiệu lực giấy xét nghiệm. Đồng Nai quy định 7 ngày, nhưng các tỉnh khác lại có hiệu lực 5 ngày và 3 ngày. Vì vậy, cần thống nhất lại thời gian hiệu lực đối với giấy xét nghiệm.

Chốt kiểm tra dịch tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh hoạ

Sau khi lắng nghe một số tình thành phát biểu ý kiến, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, những giải pháp chung về kiểm soát dịch bệnh cần thực hiện nghiêm. Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ luồng hàng vận chuyển và luồng tuyến, nhất là kiểm soát chặt tại các kho hàng, bến bãi để hạn chế lây lan dịch bệnh. Các đơn vị của Bộ cần phối hợp với địa phương tạo hành lang pháp lý thực hiện tốt việc này.

Với tinh thần 4 tại chỗ, các địa phương cần chủ động phân luồng tuyến, kể cả quốc lộ, cảng biển, sân bay. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các địa phương phối hợp, tránh ùn tắc. Bên cạnh đó, đơn vị vận tải có xác nhận an toàn dịch bệnh và chịu trách nhiệm về tính an toàn của phương tiện và người lái xe", Thứ trưởng nói.

Chốt lại vấn đề, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá cao các giải pháp phòng chống dịch mà các địa phương đang triển khai. Bộ trưởng cho rằng, TP Hồ Chí Minh và các địa phương cần xác định trọng tâm, trọng điểm là các cảng biển, cảng thủy nội địa, nhà máy, siêu thị, trung tâm thương mại. Từ đây, thống kê nhu cầu vận tải hàng hóa và yêu cầu họ cung cấp nhanh nhất số lượng phương tiện vận tải phục vụ cho các đơn vị này để có giải pháp quản lý.

Đối với vận chuyển chuyên gia, công nhân giữa các địa phương, Bộ trưởng yêu cầu cần có giải pháp vận chuyển đảm bảo an toàn. Các doanh nghiệp, xí nghiệp có nhu cầu phải đăng ký xe đưa đón chuyên gia, công nhân để cấp phù hiệu, mã QR code. Cần chú ý các giải pháp đảm bảo an toàn như chỉ cho phép chở 50% số ghế và ưu tiên xe có camera để giám sát hoạt động phòng chống dịch trong xe.

“Có giải pháp quản lý nhanh nhưng không được cản trở, cần đơn giản hóa việc cấp logo, cấp mã QR code cho phương tiện bằng việc ứng dụng công nghệ, đảm bảo thủ tục cấp nhanh nhất có thể. Đặc biệt, các địa phương cần thống nhất cách quản lý luồng xanh này, xe đi qua trạm kiểm soát phải được nhận diện nhanh, tránh dừng xe kiểm tra, dễ xảy ra ùn tắc”, Bộ trưởng yêu cầu. Thống nhất với các địa phương về thời hạn giấy xét nghiệm nhanh và PCR có giá trị trong vòng 3 ngày, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các tỉnh cần thống nhất quy định về cách kiểm soát.

Theo quy định lái xe phải có giấy xác nhận xét nghiệm trong vòng 3 ngày. Vì vậy, cần giao trách nhiệm cho doanh nghiệp khi điều động phương tiện, lái xe phải đảm bảo yêu cầu. Doanh nghiệp nào không thực hiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng cần chỉ đạo ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe. Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương cần phối hợp giải quyết vướng mắc trong vận chuyển hàng hóa.

Bộ trưởng gợi ý, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các địa phương có thể thành lập group trên các ứng dụng Viber, Zalo để trao đổi thông tin vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính để xử lý kịp thời tránh ùn tắc. Những chỉ đạo mới của Chính phủ, những quy định mới phải được cập nhật ngay vào group để phối hợp giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc…
Phạm Huyền
.
.
.