Phát hiện hàng nghìn giấy phép lái xe giả
Một ngày giữa tháng 5, ông Thái Văn Rỡ, cư trú tại Hòa Thành, Tây Ninh đến Sở GTVT Tây Ninh làm thủ tục đổi bằng giấy phép lái xe (GPLX) từ giấy sang bằng chất liệu PET.
Xếp hàng chờ mãi rồi cũng đến lượt đổi, song chỉ nhìn tấm bằng và qua số liệu tra cứu, cán bộ Sở GTVT đã phát hiện ra chiếc bằng ông Rỡ đang dùng là bằng giả.
Chiếc bằng lập tức bị tịch thu, và thay vì cầm bằng mới ra về, ông Rỡ đành nhận quyết định Thu hồi hồ sơ gốc và GPLX môtô hạng A1. Trường hợp bằng giả còn xảy ra cả với chủ xe ôtô. Cụ thể, ngày 12-5, anh Nguyễn Văn Trực sống tại Xã Ea Kuăng, Krông Păk, tỉnh Đắc Lắk, thu xếp mang hồ sơ và GPLX hạng C lên Sở GTVT để đổi bằng mới. Thế nhưng, chỉ sau ít phút kiểm tra, anh cũng hoàn toàn ngỡ ngàng với kết quả “bằng giả”.
Cầm quyết định thu hồi hồ sơ và GPLX do Phó Giám đốc Sở GTVT Đắk Lắk Đỗ Đình Chính ký, anh không khỏi lo lắng vì theo quy định, trong vòng 5 năm tới anh sẽ không được cấp bằng GPLX. Không có bằng coi như công việc lái xe của anh cũng chấm dứt.
Trước đó, chỉ trong ngày 11/5, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai đã buộc phải ra quyết định thu hồi GPLX của 113 trường hợp có hành vi gian dối để được cấp, đổi lại bằng GPLX. Điều đáng nói, đây cũng không phải lần đầu tiên Gia Lai phát hiện ra các trường hợp này. Theo thống kê của Sở GTVT Gia Lai năm 2014 đã phát hiện ra 108 trường hợp GPLX giả trong đó 21 GPLX ôtô còn lại là môtô và chỉ phát hiện khi chủ nhân đến Sở GTVT đổi bằng lái. Thông qua việc đổi GPLX Sở GTVT Gia Lai đã phát hiện rất nhiều trường hợp bằng lái và hồ sơ gốc học lái xe cũng giả.
Điều đáng chú ý là chính chủ nhân của một trong số những bằng giả kia cũng không biết rằng hồ sơ và GPLX của mình là không có thật. Nguyên nhân là do nhiều người ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết nên đã đưa tiền cho một số đối tượng để làm giấy phép lái xe khi mang đi đổi thì mới phát hiện là giấy phép lái xe giả. Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Hữu Quế cho biết những hồ sơ này đã được chuyển sang cơ quan công an để điều tra, xử lý.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Thắng Quân,Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện, Tổng cục Đường bộ chỉ tay vào chồng quyết định “thu hồi GPLX” vừa được Sở GTVT các tỉnh, thành gửi về: “GPLX giả là đây. Không biết là do thi khó, hay nhiều người bị lừa nữa, mà hầu như ngày nào cũng phát hiện trường hợp đến đổi bằng vi phạm. Cao điểm có tỉnh một ngày phát hiện hàng trăm trường hợp”.
Hiện nay có 2 loại bằng giả. Loại làm từ phôi giả là dùng bằng thật qua scan để lấy quy cách của GPLX rồi điền thông tin người có nhu cầu. Loại làm từ phôi thật thì tinh vi hơn nên khó phát hiện. Qua quá trình kiểm tra, đổi bằng lái xe sang loại vật liệu mới, toàn quốc phát hiện trên 3.500 trường hợp giấy phép lái xe giả trong năm 2014. Từ đầu năm 2015 đến nay, lại thêm hàng nghìn trường hợp nữa bị phát hiện. Những trường hợp này sẽ không được học và thi lấy GPLX mới trong vòng 5 năm.
Ông Nguyễn Thắng Quân cho biết thêm, phần lớn giấy phép lái xe giả tập trung ở khu vực phía Nam. "Không chỉ giấy phép lái xe bằng vật liệu cũ bị làm giả, chúng tôi còn phát hiện cả giấy phép lái xe giả bằng vật liệu mới (PET)", ông Quân cho biết.
Để giải quyết tình trạng này, theo Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Bộ GTVT cung cấp cho lực lượng Thanh tra và Cảnh sát giao thông trên cả nước 1.000 kính soi chiếu ảnh để phát hiện giấy phép lái xe giả. Ngoài ra, Tổng cục sẽ cung cấp thêm hồ sơ, dữ liệu liên quan cho các Sở Giao thông thông qua phần mềm quản lý chung và tăng cường đào tạo kỹ năng phát hiện giấy phép lái xe giả cho các chuyên viên tại các điểm cấp đổi. Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ, đến nay, cả nước đã đổi hơn 6 triệu giấy phép lái xe sang vật liệu PET, trong đó, có hơn 2,5 triệu giấy phép lái ôtô.
Sử dụng GPLX, biển giả là vi phạm pháp luật Trao đổi với PV, lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ-đường sắt Hà Nội cho biết, theo thống kê trong năm 2014 và các tháng đầu năm 2015, Phòng CSGT đã phát hiện hàng trăm trường hợp người điều khiển phương tiện sử dụng giấy phép lái xe, BKS xe giả. Hơn nửa trong số đó là các phương tiện có liên quan đến các vụ án trộm cắp tài sản, cướp, cướp giật. Có phương tiện bị mất sau gần 10 năm đã được CSGT phát hiện, tìm thấy và trao trả lại cho bị hại. Vị lãnh đạo này cũng khẳng định: Việc người điều khiển phương tiện sử dụng giấy phép lái xe, BKS giả để lưu hành phương tiện là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới TNGT cũng như những hậu quả khôn lường. Tất cả những trường hợp bị phát hiện, chúng tôi đều kiên quyết xử lý nghiêm. |