Phát hiện hàng loạt sai phạm tại cơ sở đào tạo người lái phương tiện thuỷ

Thứ Năm, 14/03/2019, 10:05
Tính đến đầu năm 2019, toàn quốc có khoảng 32 cơ sở đào tạo cấp chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa đang hoạt động.

Trong đó có 25 cơ sở đào tạo được Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam (ĐTNĐVN) chấp thuận (10 cơ sở thuộc các tỉnh phía Bắc); 7 cơ sở đào tạo được các Sở GTVT chấp thuận. Thế nhưng, khi đoàn kiểm tra của Bộ GTVT tiến hành thanh tra tại Cục ĐTNĐVN và 9 cơ sở đào tạo phía Bắc, thì hàng loạt sai phạm đã được chỉ rõ.

Sau hơn 1 tháng kiểm tra, đoàn thanh tra Bộ GTVT đã làm rõ nhiều tồn tại ở  các cơ sở đào tạo, liên quan đến điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật như Trường Cao đẳng nghề số 13 (Bộ Quốc phòng), Chi nhánh dạy nghề - Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ Hà Nam, Trường Trung cấp Đại Lâm... có phòng học điều khiển phương tiện thiếu tốc độ kế hoặc máy liên lạc VHF; phòng học thuỷ nghiệm cơ bản chưa đủ bộ bảo quản; hay xưởng thực hành thiếu máy tiện.

Lực lượng liên ngành kiểm tra chứng chỉ, công tác an toàn của người lái phương tiện thuỷ nội địa.

Trung tâm dạy nghề số 1, Trung tâm dạy nghề đường thuỷ nội địa chưa cung cấp được hợp đồng minh chứng việc thuê phao báo hiệu vùng nước để phục vụ đào tạo thực hành. Trường Cao đẳng Giao thông Quảng Ninh sử dụng vùng nước dạy thực hành không đủ độ dài tối thiểu 2km theo quy định...

Thậm chí trong vấn đề phương tiện phục vụ dạy thực hành, đoàn thanh tra cũng phát hiện trường Cao đẳng nghề số 13-Bộ Quốc phòng, Chi nhánh dạy nghề-Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ Hà Nam sử dụng phương tiện dạy thực hành có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hạn. Trung tâm dạy nghề đường thuỷ nội địa, Công ty Cổ phần dạy nghề đường thuỷ Bình Phát không có tài liệu chứng minh việc sử dụng các phương tiện thuê để thực hiện đào tạo thực hành, thi, kiểm tra...

Chưa dừng lại, với việc cấp phát phôi chứng chỉ chuyên môn ở một số cơ sở cũng không có sổ theo dõi hoặc có sổ nhưng ghi chép theo dõi không đúng quy định, hoặc không ghi rõ seri phôi chứng chỉ chuyên môn đã được cấp. Bên cạnh đó, có tới 7/9 cơ sở đào tạo bố trí giáo viên giảng dạy không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.

Khi thực tế tại một số cơ sở đào tạo, sát hạch, đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều cơ sở xem nhẹ việc kiểm tra sát hạch. Cụ thể, Công ty Cổ phần dạy nghề đường thuỷ Bình Phát có số lượng học viên/lớp vượt quá theo quy định; lịch kiểm tra cấp chứng chỉ chuyên môn và kết quả kiểm tra kèm theo biên bản họp hội đồng kiểm tra lần thứ nhất chưa thể hiện rõ giám thị coi thi, giám khảo chấm thi (Chi nhánh dạy nghề-Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ Hà Nam); tại 7/9 cơ sở đào tạo (Trung tâm dạy nghề số 1, Trung tâm dạy nghề đường thuỷ nội địa, Trường Cao đẳng GTVT Đường thuỷ I, Chi nhánh dạy nghề-Công ty TNHH Vận tải và dịch vụ Hà Nam...) chưa nhập dữ liệu của thuyền viên sau khi được cấp chứng chỉ chuyên môn vào cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý của Cục ĐTNĐVN.

Đến phần kiểm tra xác suất một số bài thi, bài kiểm tra trắc nghiệm lý thuyết đang lưu trữ tại các cơ sở đào tạo, một lần nữa sự “buông lỏng” của các cơ sở đào tạo như Trung tâm dạy nghề số 1, Trường Cao đẳng nghề số 13, Trường Cao đẳng GTVT Đường thuỷ I... lại được thể hiện qua việc giám khảo chấm điểm không chính xác, làm thay đổi kết quả kiểm tra.

Đánh giá về các tồn tại nêu trên, kết luận thanh tra của Bộ GTVT nhấn mạnh: Nguyên nhân khách quan là do số lượng phương tiện thuỷ nội địa phân bố không đều theo địa giới hành chính, nên nhu cầu được đào tạo cấp giấy chứng nhận chuyên môn tập trung tại một số địa phương sẽ tạo áp lực đối với cơ sở đào tạo trên địa bàn.

Các cơ sở đào tạo hoạt động kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa luôn tối đa lợi nhuận nên dẫn tới các sai phạm trong quá trình thực hiện đào tạo, trong việc tổ chức thi, kiểm tra cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn. Còn nguyên nhân chủ quan là do nhân lực phục vụ công tác quản lý của Cục ĐTNĐVN còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý theo nhiệm vụ được giao. Do đó, Cục ĐTNĐVN chưa giám sát được các kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ chuyên môn tại các cơ sở đào tạo.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Cục ĐTNĐVN cần kiểm kiểm, rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân có tồn tại trong công tác đào tạo. Xem xét làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc tổ chức thi, kiểm tra cấp giấy chứng nhận. Đồng thời thu hồi thẻ coi thi, chấm thi đối với các giám khảo chấm điểm sai dẫn đến thay đổi kết quả thi, kiểm tra...

Với các cơ sở đào tạo, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu rõ, phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm trong công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa.

Cùng đó, Trung tâm dạy nghề số 1, Trường Cao đẳng nghề số 13, Trường Cao đẳng GTVT Đường thuỷ I phải xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với Cục ĐTNĐVN xử lý việc cấp chứng chỉ chuyên môn hạng nhất đối với  các thí sinh do giám khảo chấm điểm không chính xác. Mọi việc xử lý phải báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ GTVT trước ngày 15-3.

Đặng Nhật
.
.
.