Hà Nội sẽ gộp chung vé các phương tiện giao thông công cộng
Ngoài xe buýt thường, Hà Nội hiện đã đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh BRT 01 đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực từ người dân. Thành phố cũng đang xem xét đầu tư tuyến buýt nhanh BRT 02 Kim Mã- Hòa Lạc.
Bên cạnh, phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt, Hà Nội hiện có quy hoạch 8 tuyến đường sắt trên cao, đang triển khai 2 tuyến. Như Bộ GTVT cam kết, tuyến số 2 Cát Linh – Hà Đông sẽ được vận hành thương mại vào quý I-2018, tuyến số 3 từ Nhổn đến ga Hà Nội sẽ chạy thử vào đầu năm 2021. Còn lại 5 tuyến, Bộ GTVT phối hợp với Hà Nội đang tích cực triển khai.
Áp dụng vé điện tử liên thông sẽ giúp người sử dụng phương tiện công cộng không phải “thủ” hàng loạt loại thẻ vé khác nhau. |
Với mạng lưới giao thông như trên, song hiện nay, mỗi loại hình vận tải công cộng ở Hà Nội lại đang sử dụng một loại vé, một công nghệ khác nhau. Cụ thể, xe buýt vẫn sử dụng vé giấy, đường sắt trên cao tuyến số 2 Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ vé điện tử của Trung Quốc, tuyến số 3 Nhổn- ga Hà Nội sử dụng công nghệ thẻ vé của Pháp…
Và nếu không có sự điều chỉnh thì hành khách muốn sử dụng các dịch vụ vận tải khách công cộng này sẽ phải “thủ” hàng loạt loại thẻ vé khác nhau. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị cho rằng, điều này rất bất cập và phải sớm tính toán để có sự điều chỉnh phù hợp.
“Theo quy hoạch, Hà Nội có 8 tuyến đường sắt trên cao với những công nghệ thẻ vé của nhiều nước khác nhau như Nhật, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc… Mỗi tuyến sẽ phát hành một loại vé, chưa kể xe buýt tiến tới dùng vé điện tử, hành khách sẽ có đầy một ví thẻ. Như vậy, rất bất tiện cho người sử dụng và không tối ưu hóa được hiệu quả của vận tải khách công cộng.
Vé điện tử liên thông là cần thiết và phải đi trước một bước”, ông Nguyễn Hoàng Hải cho hay và nhấn mạnh: “ Khi đưa vào áp dụng vé điện tử sẽ không gây bất cứ khó khăn nào. Hành khách chỉ việc dùng thẻ vé chạm vào bộ phận cảm biến trên xe buýt hoặc tàu điện khi lên xe và xuống xe để thiết bị tự tính giá, trừ tiền; khách không cần tiền mặt, phương tiện vận tải công cộng thậm chí còn không cần nhân viên bán vé. Đặc biệt số tiền thu về qua thẻ vé điện tử còn gần như loại bỏ mọi nguy cơ thất thoát, không minh bạch.”
Bên cạnh đó, toàn bộ dữ liệu về hành khách, số lượng vận chuyển của các loại hình vận tải công cộng sẽ truyền về Trung tâm quản lý, sau đó phân tích và phân bổ trở lại các doanh nghiệp khai thác. Như vậy, Trung tâm quản lý thẻ vé cũng sẽ nắm được nhu cầu, lưu lượng vận hành của từng tuyến xe buýt, tuyến tàu điện để phân bổ, tạo kết nối sao cho hợp lý nhất.
Hiện TP cũng đang xem xét thành lập bộ khung nhân sự chịu trách nhiệm quản lý, vận hành vé điện tử; về công nghệ và kỹ thuật chúng ta cũng đang tiến hành đàm phán với các đơn vị chuyển giao.
“Việc này không thể hoàn thành trong một sớm một chiều nhưng tôi mong muốn rằng chúng ta có thể đưa vé điện tử vào sử dụng trước khi các tuyến đường sắt đô thị hoàn thành và khai thác thương mại.
Bởi, nếu có vé điện tử trước, áp dụng cho xe buýt, khi tàu điện đi vào hoạt động sẽ có ngay một lượng khách chuyển thẳng từ xe buýt sang bằng vé liên thông, cực kỳ thuận tiện cho hành khách cũng như tạo điều kiện cho đường sắt đô thị sớm bắt nhịp với mạng lưới vận tải công cộng của TP, góp phần thu hút mạnh mẽ lượng người dân từ bỏ phương tiện cá nhân để đến với vận tải công cộng”, ông Hải đặt niềm tin.