Phải minh bạch và kiểm soát được hệ thống thu phí tự động

Thứ Ba, 12/09/2017, 08:59
Chiều 10-9, Tổng cục Đường bộ đã đứng ra làm “trọng tài” để Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (nhà cung cấp dịch vụ) và 3 nhà đầu tư BOT đàm phán hợp đồng. Đây không phải là lần đầu tiên, các đơn vị liên quan làm việc với nhau, tuy nhiên nhiều vấn đề chưa được làm rõ bởi nhà đầu tư BOT cho rằng, thu phí không dừng là để minh bạch, thế nhưng họ có cảm giác bị “ép” dùng công nghệ của một nhà đầu tư khác, đồng thời không muốn đơn vị thứ 3 can thiệp vào việc thu phí.

Bà Từ Minh Nguyệt, đại diện nhà đầu tư BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp, cho biết, đây là lần thứ 7, đơn vị đi đàm phán với bên cung cấp dịch vụ. Vì còn rất nhiều điểm không thoả mãn nên chưa thể đi đến thống nhất. Bà Nguyệt khẳng định chủ trương áp dụng công nghệ mới thu phí không dừng để đem lại sự thuận tiện, văn minh cho người dân là hoàn toàn đúng. Nhưng, cần xem lại cách thức thực hiện chủ trương này đã đúng và đảm bảo lợi ích của tất cả các bên  liên quan hay chưa?

Về pháp lý, hợp đồng BOT mà doanh nghiệp ký với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là hợp đồng dân sự giữa hai bên, mọi công việc thực hiện tuân thủ theo Hợp đồng đã ký. Hợp đồng đã ký gồm 3 giai đoạn Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao. Đến giai đoạn này, sau khi đã đầu tư xây dựng xong con đường lại xuất hiện một bên thứ ba không liên quan đến hợp đồng “nhảy” vào thực hiện hợp đồng BOT của doanh nghiệp là không công bằng.

“Nếu VETC chọn lựa phương án đầu tư chỉ cung cấp, lắp đặt thiết bị phần mềm và chuyển giao công nghệ bán cho chúng tôi, để chúng tôi mua và tiếp tục tự quản lý thu phí như hiện nay thì có lẽ vấn đề về chủ trương thu phí không dừng đã được giải quyết, đảm bảo tính khả thi, các nhà đầu tư BOT hoàn toàn sẵn sàng thực hiện ngay”, bà Nguyệt nhấn mạnh.

Sau nhiều lần đàm phán, các chủ dự án BOT và VETC vẫn chưa đi đến thống nhất việc lắp hệ thống thu phí tự động.

Đề cập tới việc đàm phán hợp đồng với đơn vị VETC, bà Nguyệt khẳng định theo cách thức thực hiện như hiện nay đối với 29 trạm thu phí đang triển khai thì hiện tại chỉ có một đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng là VETC. Rõ ràng khi chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ thì việc đàm phán với nhà đầu tư BOT là thực sự rất khó khăn.

Bà Nguyệt đưa ra 3 câu hỏi: Căn cứ nào để đảm bảo hạn chế hoặc tránh được tình trạng ách tắc tại các trạm thu phí? Nếu xe đi vào làn thu phí không dừng chưa gắn thẻ hoặc thẻ hết hạn hoặc không đủ số dư thì thiết kế tại các trạm hiện tại đã có phương án để xử lý tình huống này hay chưa? Nếu từ lý do này xảy ra việc thất thu hoặc ách tắc giao thông phải “xả” trạm, gây bức xúc dư luận thì các thiệt hại đó ai sẽ là người đứng ra đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư BOT?

Đại diện nhà đầu tư BOT 194 cho biết, sau nhiều lần đàm phán, đến nay đơn vị vẫn chưa nhận được bảng giá kê khai giá dịch vụ lắp đặt từ phía VETC, và cũng băn khoăn khi chỉ có một đơn vị cung cấp dịch vụ là VETC sẽ gây khó cho nhà đầu tư. Về thời gian ký hợp đồng, đại diện nhà đầu tư BOT 194 cho rằng chỉ nên ký 2 năm thay vì quy định 5 năm…

Theo đại diện nhà đầu tư BOT Tập đoàn Trường Thịnh, nếu sự kiện gián đoạn gây ra do lỗi của hệ thống thu phí tự động không dừng thì bên cung cấp dịch vụ phải khắc phục trong một thời gian hợp lý. Tổng thời gian khắc phục sự kiện gián đoạn không dược quá 15 giờ/3lần/30ngày, nếu sự kiện gián đoạn kéo dài quá thời gian quy định hoặc xảy ra từ 3 lần trở lên trong vòng 30 ngày thì bên cung cấp sẽ bị phạt nặng bằng 10 lần doanh thu phí dịch vụ tự động không dừng trung bình ngày của tháng liền trước. Bên cung cấp dịch vụ cũng phải hoàn trả ngay cho nhà đầu tư BOT khoản doanh thu bị thất thoát do sự kiện gián đoạn này và bồi thường các thiêt hại khác.

Trước thắc mắc của các nhà đầu tư BOT, với tư cách là “trọng tài”, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng: “Không có chuyện ép các nhà đầu tư”. Các nhà đầu tư BOT nào chưa cảm thấy thoả mãn với điều khoản đàm phán, thì có quyền tìm một nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, nhà cung cấp đó phải được Bộ GTVT thẩm tra, chấp thuận. Đồng thời, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm tự kết nối với hệ thống của Tổng cục.

Bên cạnh đó, ông Huyện cũng khẳng định việc các nhà đàu tư BOT muốn tự quản lý hệ thống thu phí không dừng là không thể. Vì để thống nhất một đầu mối quản lý, Chính phủ đã có chủ trương để nhà cung cấp đứng ra giám sát, sau đó mọi dữ liệu sẽ truyền về cho Tổng cục đường bộ quản lý, chứ không có chuyện để cho một đơn vị thứ 3 quản lý như lo lắng của nhà đầu tư.

Cuối cùng, ông Huyện đưa ra thông điệp: Dù lắp công nghệ thu phí không dừng của đơn vị nào, thì cuối cùng các nhà đầu tư BOT vẫn phải hoàn thiện trước tháng 10, chứ không thể trì hoãn hơn được nữa. Từ sau 30-10-2017, đơn vị nào chưa lắp thì Tổng cục sẽ kiến nghị Bộ dừng thu phí.

Đặng Nhật - N.Hương
.
.
.