“Ôm” nợ hơn 20.000 tỷ đồng, Vinalines vẫn muốn đầu tư 4.000 tỷ đồng

Thứ Tư, 05/12/2018, 15:37
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam- Vinalines vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bày tỏ mong muốn được tham gia xây dựng dự án cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng với mức tiền nhà đầu tư phải bỏ ra khoảng 4.000  tỷ đồng.


Đáng chú ý, Vinalines còn đang thua lỗ và ôm nợ “khủng”. Năm 2018 tiếp tục được ghi nhận là một năm làm ăn bết bát của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2018 Vinalines đã lỗ ròng gần 198 tỷ đồng. 

Tính đến hết quý III, Vinalines đã tăng khoản lỗ lũy kế của mình lên tới 3.434 tỷ đồng. Nợ phải trả của Vinalines tại thời điểm 30-9 là hơn 20.051 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn là 4.563 tỷ đồng, tăng thêm 190 tỷ đồng. Còn vay nợ thuê tài chính dài hạn là 5.999 tỷ đồng, giảm 845 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Cảng Liên Chiểu theo hình thức công tư (PPP) có quy mô 243,7ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. 

Cụ thể, giai đoạn khởi động năm 2022 khu bến đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000DWT, tàu container có sức chở từ 6.000-8.000 TEUs, năng lực thông qua cảng năm 2022 khoảng 17 triệu tấn/năm (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỷ đồng, trong đó phần vốn đầu tư của Nhà nước dự kiến là 3.426 tỷ đồng (Hợp phần A), phần vốn đầu tư của tư nhân dự kiến là 3.951 tỷ đồng (hợp phần B). Hiện nay, Cảng Đà Nẵng (đơn vị trực thuộc Vinalines) - chủ đầu tư dự án Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 đã đưa vào khai thác từ tháng 6.

Cảng Liên Chiểu nếu được phê duyệt và kêu gọi đầu tư sẽ cần khoản đầu tư gần 7.400 tỷ đồng

Tuy nhiên, phía Vinalines nhìn nhận, việc hạn chế sản lượng khai thác hàng hóa thông qua khu bến Tiên Sa bằng đường bộ không quá 10 triệu tấn/năm và hướng tới chuyển đổi công năng Cảng Tiên Sa thành cảng du lịch sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình đầu tư và khai thác của cảng. 

Mỗi năm, sản lượng hàng hóa thông qua giảm khoảng 8,5 triệu tấn, doanh thu của cảng giảm khoảng 650 tỷ đồng. Trong văn bản gửi Bộ GTVT, lãnh đạo Vinalines phân tích:  “Cảng Đà Nẵng cũng là Công ty cổ phần có vốn doanh nghiệp Nhà nước chiếm 75%, việc đầu tư xây dựng cảng biển do các doanh nghiệp có vốn Nhà nước làm chủ đầu tư sẽ mang lại lợi ích thu được hàng năm và tài sản được hình thành thuộc sở hữu của Nhà nước”. 

Hơn nữa, tại phương án cổ phần hóa Công ty mẹ-Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu đã được đăng tải trên bản công bố thông tin chào bán đấu giá cổ phần lần đầu của Vinalines và dự án Cảng Liên Chiểu là một lợi thế quan trọng để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là một trong các yếu tố đảm bảo thành công cổ phần hóa Tổng công ty, cũng như là chiến lược phát triển của đơn vị sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động.

Phối cảnh cảng Liên Chiểu.

Để giảm tối đa thiệt hại cho Cảng Đà Nẵng và hướng tới chuyển đổi công năng Cảng Tiên Sa; Vinalines bày tỏ nguyện vọng mong muốn đầu tư hợp phần B xây dựng 2 bến tại Cảng Liên Chiểu giai đoạn khởi động thông qua Cảng Đà Nẵng là phù hợp và hết sức cần thiết.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu. Cảng Liên Chiểu nếu được phê duyệt và kêu gọi đầu tư sẽ cần khoản đầu tư gần 7.400 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu tăng cao về vận chuyển hàng hóa, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng và trong khu vực. 

Cảng sẽ giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô TP. Phía Đà Nẵng cũng đưa ra lộ trình thời gian hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư từ năm 2018-2019, triển khai thi công và đưa vào khai thác vào năm 2020-2022.

Chi Linh
.
.
.