Nhiều vi phạm về an ninh, an toàn hàng không

Thứ Năm, 08/01/2015, 09:33
Những lỗi liên quan đến việc giả mạo giấy tờ để đi máy bay, buột miệng dọa có bom trên máy bay… được lực lượng an ninh tại các cảng hàng không sân bay phát hiện, cảnh báo, thậm chí xử phạt khá nhiều. Tuy nhiên, vi phạm không vì thế mà chấm dứt.

Tối 6/1, tại sân bay Tân Sơn Nhất, Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cho biết đã từ chối vận chuyển, phối hợp với cơ quan chức năng lập biên bản và xử lý một hành khách vì dọa có mìn trong hành lý. Sự việc xảy ra trong quá trình làm thủ tục chuyến bay thường lệ mang số hiệu BL808, từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội dự kiến cất cánh lúc 21h5.

Hành khách đi máy bay cần chấp hành tốt hơn các quy định của Luật Hàng không dân dụng.

Hành khách T.V.D. có mã đặt chỗ QIBY3R đến quầy làm thủ tục và được nhân viên Jetstar Pacific hỗ trợ làm thủ tục theo quy trình. Trong quá trình hướng dẫn, hành khách T.V.D nói có mìn trong hành lý. Khi được nhân viên thủ tục hỏi lại “Mỳ gói phải không anh?”, ông T.V.D. vẫn tiếp tục nói rõ là có mìn. Ngay sau đó, nhân viên Jetstar Pacific triển khai thông báo cho lực lượng chức năng tại sân bay đến xử lý vụ việc theo quy định, đồng thời từ chối vận chuyển đối với hành khách. Được biết, sự việc xảy ra trong quá trình làm thủ tục nên không ảnh hưởng nhiều đến thời gian khởi hành chuyến bay BL808.

Trước đó, vào ngày 5/1, trên chuyến bay của Vietnam Airlines có giờ dự kiến xuất phát (ETD) tại sân bay Nội Bài lúc 14h55. Sau khi máy bay đóng cửa và được đẩy ra khỏi thang ống (pushback), một hành khách nam, số ghế 57J đã bất ngờ rời khỏi vị trí và có hành vi gây rối, đe dọa có bom trên chuyến bay. Hành khách là tội phạm được 2 nhân viên an ninh dẫn độ và có thông báo trước cho tổ bay.

Tiếp viên đã phối hợp cùng nhân viên an ninh dẫn độ khống chế tội phạm và yêu cầu trợ giúp của bộ phận an ninh sân bay. Cơ trưởng cho máy bay quay lại để làm thủ tục xuống tàu (offload) cho hành khách gây rối và 2 nhân viên an ninh đi cùng. Sau đó, an ninh sân bay đã tiến hành kiểm tra toàn bộ máy bay để đảm bảo an toàn. Chuyến bay sau đó khởi hành lúc 16h55, chậm 2 giờ so với kế hoạch. Sự việc này đã làm xáo trộn quy trình khai thác thường lệ cho một chuyến bay của hãng, ảnh hưởng đến 246 khách đi cùng chuyến.

Không chỉ là chuyện dọa bom mìn, trong năm 2014, lực lượng an ninh sân bay cũng đã phát hiện không ít trường hợp giả mạo giấy tờ tùy thân để đi máy bay. Gần đây nhất, khi thời gian làm thủ tục cho chuyến bay sắp “khóa sổ” tại sân bay Nội Bài, một nam hành khách “tay xách, nách mang” với đống hành lý lỉnh kỉnh tiến tới chốt kiểm tra an ninh. Tại đây, hành khách này xuất trình vé máy bay nhưng không có CMND hay giấy tờ tùy thân nào khác ngoài một tờ giấy xác nhận nhân thân được chính quyền địa phương cấp phép mang tên Nguyễn Minh Đức (27 tuổi, trú tại xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Nhận thấy hành khách có nhiều biểu hiện nghi vấn, lực lượng an ninh sân bay liền “thẩm vấn”.

Tại phòng trực của Đội An ninh cơ động, hành khách đã thú nhận tên thật của mình là Nguyễn Văn Huệ. Vé máy bay Huệ dùng là của một người bạn thân tên Nguyễn Minh Đức ở cùng địa phương. “Do có việc đột xuất nên Đức không đi và nhường lại vé cho tôi. Sau khi có vé, tôi đã ra Công an xã để xin xác nhận nhân thân giả mạo nhằm qua cửa an ninh sân bay”, Huệ cho biết.

Sau khi sự việc được làm rõ, Trung tâm An ninh hàng không Nội Bài đã lập biên bản từ chối hoàn thành thủ tục an ninh hàng không đối với hành khách Nguyễn Minh Đức (tên thật là Nguyễn Văn Huệ) và bàn giao hành khách cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc xử lý theo quy định.

Những trường hợp trên là một trong số ít những vụ vi phạm về an ninh, an toàn hàng không do chính hành khách gây nên trong thời gian vừa qua. Tổng kết năm 2014, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong năm 2014, ngành Hàng không không xảy ra tai nạn tuy nhiên số sự cố lại tăng tới 177% so với năm 2013. Số vụ việc về an ninh hàng không và trật tự công cộng tại nhà ga, bến bãi cũng tăng 67%.

Trước thực trạng trên, Cục Hàng không Việt Nam đã phải yêu cầu lực lượng an ninh sân bay và các hãng hàng không nâng cao nghiệp vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn hành khách sử dụng giấy xác nhận nhân thân giả để đi máy bay bằng vé của người khác.

Tính nghiêm trọng của loại vi phạm này không phải thiệt hại kinh tế mà là ở yếu tố đe dọa đến an ninh hàng không. Hãng hàng không không bị thiệt hại kinh tế, chỉ có hành khách vừa mất tiền vừa không được bay, nếu tái phạm nhiều lần có thể bị cấm bay. Tuy nhiên, những vụ vi phạm này cho thấy nguy cơ tiềm ẩn trong giấy tờ đi máy bay nội địa, nó có thể bị lợi dụng cho các hành vi can thiệp bất hợp pháp chống lại hàng không dân dụng.

Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 147/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, mức xử phạt có thể từ 20 triệu – 30 triệu đồng đối với những cá nhân có các hành vi tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, v.v... gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng; phát ngôn mang tính đe dọa sử dụng bom, mìn, chất nổ, vật liệu nổ v.v... trong khu vực làm thủ tục vận chuyển, khu vực cách ly, sân bay, trên tàu bay. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, v.v... hoặc các thông tin khác có thể gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay, người trên tàu bay đang bay.

Đặng Nhật
.
.
.