Nhiều năm tới, xe buýt sẽ vẫn là phương tiện công cộng chủ đạo của Hà Nội

Thứ Bảy, 22/06/2019, 07:17
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) an toàn, thân thiện, bền vững diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp vận tải và đông đảo nhà khoa học trong lĩnh vực giao thông đô thị. 


Tại Hội thảo, GS.TS Từ Sỹ Sùa, một chuyên gia giao thông cho hay, hiện nay, VTHKCC bằng xe buýt đang đối mặt với sự sụt giảm về thị phần trong bối cảnh nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô vẫn gia tăng.

Trong giai đoạn 2020-2030, Hà Nội sẽ có loại hình VTHKCC có sức chứa lớn như: 8 tuyến BRT, 9 tuyến đường sắt đô thị (trong vành đai 4). Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, tỷ lệ đáp ứng của VTHKCC đối với 2 tuyến đường sắt và 1 tuyến BRT khi khai thác cực đại chỉ ở mức 4-5%. Như vậy, khối lượng vận chuyển bằng phương tiện công cộng còn lại vẫn sẽ do xe buýt đảm nhận, phải ở mức 15-20%.

Ông Sùa cho biết thêm, sự phát triển VTHKCC bằng xe buýt trong tương lai cần đảm bảo ưu tiên chất lượng dịch vụ và quản lý bằng kết nối dữ liệu đồng bộ, tích hợp, trong đó phát triển xe buýt theo hướng “cung cấp dẫn đầu”. GS.TS Từ Sỹ Sùa ví von: “Xe buýt phải nhanh hơn xe đạp, rẻ hơn xe máy và ngồi thích hơn taxi thì mới kích thích được đông đảo người dân sử dụng”.

Đồng tình với GS.TS Từ Sỹ Sùa, ông Nguyễn Thế Bình – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội khẳng định vai trò không thể thiếu của xe buýt tại Hà Nội trong ít nhất 15-20 năm nữa. Ông Bình cũng cung cấp thêm, xe buýt đã bao trùm 100% các quận, huyện; 100% các trường học; 86% khu công nghiệp và 90% khu đô thị hiện hữu.

Hà Nội hiện nay có gần 2.000 xe buýt, 326 điểm dừng xe buýt, 361 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, trên 4.000 lái xe và nhân viên bán vé. Hiện lượng khai thác của xe buýt Hà Nội cũng bị ảnh nghiêm trọng bởi ùn tắc giao thông.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, có đến 180 nghìn lượt bỏ chuyến, quay đầu và bị điều chỉnh do tắc đường trong năm 2018, chiếm 3,5% khối lượng phục vụ. Các đại biểu và nhà khoa học tại hội thảo đều chung ý kiến, xe buýt sẽ vẫn là phương tiện VTHKCC chủ đạo của Hà Nội trong tương lai và cần có những chính sách hỗ trợ thoả đáng cho loại hình này.
Đặng Nhật
.
.
.