Nhiều lỗ hổng trong an ninh, an toàn hàng không

Thứ Sáu, 21/11/2014, 10:04
Chiếc Airbus 321 của Vietnam Airlines và một máy bay trực thăng quân sự đã suýt đụng nhau trên bầu trời Tân Sơn Nhất – TP Hồ Chí Minh. Sự việc xảy ra khi đài chỉ huy quân sự và dân dụng đều cấp huấn lệnh cho máy bay cất cánh rời Tân Sơn Nhất. Sự cố hy hữu này không phải lần đầu xảy ra. Và đến thời điểm này, các đơn vị liên quan vẫn đang vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân. Song, qua đây cho thấy, vấn đề điều hành, an toàn bay còn những lỗ hổng cần sớm khắc phục.

Sự cố xảy ra lúc 11h43 (giờ UTC - giờ quốc tế) hôm 29/10. Khi đó, trên vùng trời Tân Sơn Nhất có 4 máy bay trực thăng bay huấn luyện quân sự. Ông Đinh Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, cho biết: “Thời điểm chỉ huy quân sự cho Mi172/423 cất cánh thì vị trí của chuyến bay VN1376 ở điểm chờ đường CHC 25R và đã nhận được huấn lệnh cất cánh. Chỉ huy quân sự đã thiếu quan sát hoạt động bay của hàng không dân dụng trên màn hình radar hoặc bằng mắt, không hiệp đồng với kiểm soát không lưu tại Tân Sơn Nhất”. “Tình huống trên xảy ra khiến tổ lái VN1376 phải giảm tỷ tốc và góc bay lên khi máy bay đạt độ cao 476 ft, tuy nhiên tín hiệu ra đa sơ cấp không hiển thị độ cao, do đó không xác định được độ cao chênh lệch giữa 2 máy bay”, ông Đinh Việt Thắng thông tin.

Công tác điều hành, an toàn bay còn nhiều lỗ hổng. Ảnh: X.H.Thiên

Người đứng đầu cơ quan không lưu cho hay, thời gian gần đây xảy ra một số sự cố liên quan đến công tác phối hợp hiệp đồng giữa bay quân sự và hàng không dân dụng gây ảnh hưởng đến an toàn bay. Để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bay, ông Đinh Việt Thắng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam tổ chức bình giải, rút kinh nghiệm về công tác phối hợp hiệp đồng giữa hàng không và quân sự. Trước đó, theo đánh giá từ Bộ GTVT, từ đầu năm đến nay, mặc dù không để xảy ra vụ việc mất an toàn, an ninh nào liên quan đến hàng không, nhưng vẫn còn xảy ra các sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn tàu bay và khai thác tàu bay, trong đó, đặc biệt đã xảy ra 1 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn mức B (khi tàu bay đang thực hiện cất cánh phát hiện hỏng động cơ, do nguyên nhân công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật tại Cảng hàng không Melbourne, Australia).

Những vụ máy bay suýt va quệt khiến hành khách lo lắng.

Liên tục trong các tháng 6, 7 và 8/2014, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị an toàn bay, yêu cầu các hãng hàng không rà soát, chuẩn hóa tài liệu và thực hiện nghiêm quy trình ứng phó trong trường hợp có bão theo quy trình nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các hoạt động bay, đồng thời tổ chức và chỉ đạo công tác giảng bình an toàn, thực hiện ngay các biện pháp có hiệu quả để ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận, tuy các vụ việc vi phạm quy định về an ninh hàng không đã được phát hiện, xử lý kịp thời nhưng số vụ việc vi phạm trong 9 tháng đầu năm 2014 lên đến 226 vụ, tăng 104 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân trực tiếp của các vi phạm về an ninh hàng không là từ nhận thức của hành khách, công dân (tung tin có bom, vật liệu nổ; hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định; gây rối, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không; xâm nhập bất hợp pháp khu vực hạn chế). Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân từ đơn vị khai thác cảng hàng không, quản lý điều hành bay. Do vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về hàng không cũng như trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật an ninh tại các cảng hàng không, sân bay cần được tăng cường hiệu quả hơn.

Đài không lưu mất điện, hàng loạt chuyến bay không thể cất/hạ cánh

Nhiều chuyến bay đến và đi từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - TP Hồ Chí Minh trưa 20/11 đã không thể khai thác và phải chuyển hướng hạ cánh vì đài chỉ huy không lưu tại đây bị mất điện. Sự việc xảy ra trong hơn 1 tiếng đồng hồ, từ lúc 11h11 đến 12h25. Theo đó, tất cả các chuyến bay từ các sân bay khác đến sân bay Tân Sơn Nhất và từ Tân Sơn Nhất đi đã nhận được lệnh hoãn giờ bay cho đến khi có thông báo tiếp theo. Riêng các chuyến bay đang đến Tân Sơn Nhất và các chuyến bay đi qua vùng trách nhiệm thông báo bay của Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất đã được chuyển sang điều hành theo phương án khẩn nguy là chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay gần nhất, nhiều chuyến bay đã phải quay trở lại sân bay xuất phát.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình hình nói trên là do trục trặc hệ thống điện của cơ quan quản lý bay tại Tân Sơn Nhất. Đến 12h25, sự cố đã được khắc phục xong và công tác điều hành bay hoạt động trở lại. Trong thời gian xảy ra sự cố, tín hiệu radar bị mất hoàn toàn nên Tân Sơn Nhất không thể tiếp thu máy bay. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam xác nhận trong thời gian này, hoạt động không lưu vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối. Được biết, hiện mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất tiếp thu gần 300 lượt máy bay cất/hạ cánh trong khi năng lực điều hành của đài không được đầu tư đáp ứng sự phát triển hết công suất của sân bay theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ là khoảng 1000 lần chuyến/ngày.

Đặng Nhật

Thanh Huyền
.
.
.