Nhiều kẽ hở trong thí điểm taxi Uber và Grab

Thứ Tư, 04/10/2017, 11:32
Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó báo cáo hàng loạt sai lầm của chương trình thí điểm cho chạy taxi Uber và Grab theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.


Sai phạm trong chương trình thí điểm

Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, thứ nhất, thí điểm trên có sai lầm ở chỗ Bộ GTVT không giới hạn số lượng phương tiện tham gia thí điểm mặc dù UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh kiên quyết phản đối. Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, trách nhiệm để số lượng xe thí điểm chạy cho Uber và Grab tăng lên chóng mặt (50.000 xe) thuộc về Bộ GTVT. Thủ tướng Chính phủ đã giao đích danh trọng trách cho Bộ GTVT chủ trì công tác thí điểm. 

Thứ hai, Bộ GTVT không quản lý logo nhận diện của phương tiện tham gia thí điểm. Để đảm bảo quản lý chặt chẽ, việc quản lý logo sẽ được giao về các Sở GTVT là cơ quan quản lý trực tiếp phương tiện thông qua việc cấp phát logo nhận diện sẽ quản lý được số lượng tham gia thí điểm nhưng không hiểu vì lý do gì Bộ GTVT đã giao cho các công ty sở hữu phần mềm như Uber, Grab tự tạo và cấp phát logo cho phương tiện. 

Taxi truyền thống cũng đang tìm cách nâng cao chất lượng dịch vụ.

Các công ty này cố tình không đưa ra quy chuẩn nhận diện đối với các xe tham gia thí điểm, các phương tiện không dán logo làm lực lượng Thanh tra giao thông không thể nhận biết về xe và người lái tham gia thí điểm, gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra và xử lý các lỗi vi phạm. 

Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, Bộ GTVT sai phạm trong việc để cho các đơn vị tham gia thí điểm vi phạm nghiêm trọng những quy định pháp luật của Việt Nam. Cụ thể, Công ty TNHH GrabTaxi ngang nhiên cho hoạt động dịch vụ GrabShare dù lãnh đạo Bộ GTVT đã yêu cầu công ty này dừng. Grab liên tục giảm giá cước nhiều lần, vi phạm quy định của Nghị định 37/2006/NĐ-CP. 

Đối với Uber Việt Nam, công ty này hoạt động bất hợp pháp tại Hà Nội suốt ba năm, từ 2014 đến năm 2017. Tại Đà Nẵng, Uber không được phép hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên quảng cáo rầm rộ, tuyển dụng lái xe, hàng nghìn xe Uber, Grab vẫn đang hoạt động trái phép tại Đà Nẵng.

Theo tính toán của Hiệp hội Taxi Hà Nội, tổng số xe tham gia thí điểm hiện nay cả Uber và Grab là 50.000 xe. Với doanh thu bình quân 30 triệu đồng/xe/tháng, theo công bố của Uber và Grab, thì một tháng doanh thu của mỗi công ty Uber và Grab là 1.500 tỷ đồng. Tổng số thuế phải nộp của một công ty là 67,5 tỷ đồng/tháng, tương ứng với 810 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, với 20% doanh thu phía Uber và Grab được hưởng thì mỗi năm, dòng tiền từ trong nước chảy ra nước ngoài cho Uber, Grab khoảng 3.600 tỷ đồng, có nghĩa mỗi ngày Uber, Grab đã chuyển ra nước ngoài khoảng 10 tỷ đồng. “Số tiền thất thu của Ngân sách Nhà nước là rất lớn”, Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định. 

Trước những hệ lụy trên, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, Bộ GTVT vẫn cố tình lờ đi không có bất cứ hành động nào để hạn chế sai phạm trên. Trên cơ sở đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp Kế hoạch thí điểm, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ lụy của Kế hoạch thí điểm gây ra nhiều bất ổn cho xã hội. 

Đồng thời, phải quy định quản lý Uber, Grab như quản lý taxi về số lượng, chất lượng, phạm vi hoạt động và đưa vào trong quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030…

Áp dụng xe hợp đồng điện tử đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội

Trả lời về thông tin trên, đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện Bộ vẫn chưa nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội về những kiến nghị liên quan đến Grab và Uber, đặc biệt là kiến nghị dừng khẩn cấp của 2 đơn vị này. 

Theo đại diện Bộ GTVT, thời gian Thủ tướng cho thí điểm hợp đồng xe điện tử là hai năm (1-1-2016 đến 1-1-2018), như vậy chỉ còn vài tháng nữa sẽ tổng kết thí điểm. Đánh giá ban đầu cho thấy, việc áp dụng xe hợp đồng điện tử vừa qua tạo ra một lượng việc làm lớn, thu nhập cao cho người lao động và đáp ứng được nhu cầu lớn của xã hội. 

“Kết quả đánh giá hai năm sắp tới chắc chắn sẽ nêu ra các mặt ưu điểm và hạn chế. Theo đó, những gì chưa được quy định cụ thể, chi tiết thì Bộ GTVT sẽ bổ sung vào Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, kể cả sửa đổi quy định cho phù hợp” - đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh. 

Đề cập đến kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, các xe hợp đồng hoạt động kiểu Uber, Grab không bị quản lý, không bị ràng buộc như taxi truyền thống, gây thiệt thòi và bất công bằng đối với taxi truyền thống, đại diện Bộ GTVT khẳng định: “Nói xe hợp đồng không bị quản lý là không đúng, xe hợp đồng mắc lỗi nhiều và bị xử lý cũng rất nhiều”. 

“Việc giám sát hành trình của Uber, Grab cũng giống như taxi truyền thống và đang được Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi, quản lý. Trong khi đó, vi phạm của Uber, Grab và taxi truyền thống thông qua giám sát hành trình cũng phát hiện được rất nhiều và cũng bị xử phạt như nhau theo quy định, bao gồm cả rút giấy phép kinh doanh...” - đại diện Bộ GTVT thông tin. 

Đại diện Bộ GTVT còn cho hay, cơ quan này đã tổ chức nhiều cuộc họp để lắng nghe ý kiến và giải quyết những vấn đề của taxi truyền thống và Uber, Grab. 

“Vấn đề nằm ở chỗ, một số đơn vị taxi truyền thống vẫn bảo lưu quan điểm của mình mà không chịu đổi mới để cạnh tranh. Không thể bắt Uber, Grab dừng hoạt động, bởi cái gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được làm và đây là cuộc cạnh tranh rất sòng phẳng, bình đẳng”, đại diện Bộ GTVT nói. 

Về quản lý số lượng xe, đại diện Bộ GTVT cho rằng, theo Điều 6 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, UBND các tỉnh phải quy hoạch phương tiện vận tải trên địa bàn địa phương mình phù hợp với thực tiễn. “Như vậy, địa phương phải xem xét số lượng xe phù hợp với khả năng kết cấu hạ tầng và nhu cầu của người dân...” - đại diện Bộ GTVT thông tin.

Bên cạnh đó, bà  Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam cho biết, thông tin mỗi năm Grab chuyển 3.600 tỷ đồng ra nước ngoài là hoàn toàn sai lệch và thiếu căn cứ. Grab Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp giấy phép kinh doanh năm 2014, trụ sở chính và các văn phòng đại diện đặt tại Việt Nam, hoạt động hợp pháp theo pháp luật hiện hành, toàn bộ giao dịch được thực hiện qua tài khoản Grab mở tại ngân hàng ở Việt Nam. Thêm vào đó, hệ thống giao dịch tự động và minh bạch của Grab cho phép cơ quan chức năng dễ dàng xác minh nghĩa vụ thuế chính xác tới từng chuyến xe....

Trong khi câu chuyện giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống vẫn chưa phân định hồi kết, theo đánh giá chung, taxi công nghệ thực chất đã mang lại cho người dân một dịch vụ mới, trong đó hành khách được trân trọng và phục vụ chu đáo hơn. 

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, giao thông cũng cho rằng, Grab, Uber thực chất là một phương thức kinh doanh mới, áp dụng công nghệ thông tin, là một dấu hiệu thể hiện sự phát triển. Xu hướng này không thể cản được vì nó mang tính khách quan và phù hợp với thực tế. 

Còn việc phát triển với số lượng bao nhiêu, như thế nào là phù hợp với từng tỉnh thành, để vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa đảm bảo giao thông thông suốt, lại là trách nhiệm và tầm nhìn của nhà quản lý.

Đặng Nhật
.
.
.