Nhiều giải pháp chống ùn tắc tại các trạm thu phí dịp Tết

Thứ Bảy, 20/01/2018, 09:40
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, hiện nay trên cả nước có khoảng 24 trạm thu phí có dấu hiệu mất an ninh trật tự. Để tránh tình trạng một số đối tượng cố tình gây rối, làm ùn tắc tại các trạm thu phí trong dịp Tết, nhiều giải pháp đã được đưa ra.

Tại cuộc họp báo chiều muộn 18-1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá là việc phản ứng của các tài xế tại các trạm BOT đang "lan rộng", với các hành vi điển hình như cố tình không mua vé, dàn hàng ngang, không di chuyển theo hướng dẫn, cố tình gây ùn tắc; tông hỏng barie để vượt trạm; đỗ xe trong phạm vi trạm để lau chùi, rửa xe; đòi lại tiền... 

Nói về nguyên nhân, Bộ GTVT thừa nhận có việc "lựa chọn vị trí đặt trạm và chính sách phí tại một số dự án còn bất cập", cũng như chất lượng dịch vụ kém, đường hư hỏng, xuống cấp không kịp thời sửa chữa. 

Để giải quyết tình trạng này, về lâu dài, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định sắp tới sẽ không làm các dự án BOT trên đường độc đạo mà làm trên các tuyến song hành để người dân lựa chọn. Theo ông Thể, hiện nay trạm BOT gặp sự phản ứng của người dân, nguyên nhân là do thời gian thu phí quá dài, quá nhiều trạm thu phí BOT mọc lên. 

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết Thủ tướng vừa yêu cầu nếu xảy ra mất trật tự tại trạm thu phí thì Bí thư Tỉnh ủy phải chỉ đạo giải quyết. Còn Bộ GTVT phải rà soát để giảm phí cho người dân, đặc biệt là công tác quyết toán đồng thời áp dụng thu phí tự động.

Các trạm thu phí sẽ được cắm biển “cấm dừng xe quá 5 phút”.

Còn trước mắt trong dịp Tết, về giải pháp đảm bảo an ninh trật tự tại một số trạm thu phí BOT bị phản ứng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ sẽ tiếp thu, xem xét các phản ứng hợp lý của người dân để điều chỉnh cho tốt. Tuy nhiên, những phản ứng không chính đáng, ảnh hưởng đến dòng xe lưu thông là trái pháp luật. 

Bộ GTVT đã có chủ trương khi ùn tắc đến bao nhiêu km thì sẽ phải xả trạm. Nếu trạm nào không thực hiện, chính quyền địa phương xử lý nghiêm. "Đa số dự án là các địa phương đề xuất và Bộ GTVT làm phương án, địa phương đồng thuận mới triển khai. Vì vậy, địa phương phải có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự cùng các cơ quan chức năng khác", ông Thể nói. 

"Có những hành vi cản trở giao thông dẫn đến ùn tắc rất nhanh. Như BOT Cai Lậy 26.000 xe đi qua ngày đêm, vài xe phản ứng dừng một lát thì ùn tắc 5-7km. Chúng tôi xả mà họ không đi thì vẫn ùn tắc kéo dài. Vì vậy, nhiều khi người dân phải thông cảm, không phải xả là hết ùn tắc ngay" - ông Thể chia sẻ thêm. 

Cùng đó, bộ trưởng cho biết đang rà soát giảm giá tại 51/55 trạm BOT, đẩy nhanh quyết toán dự án BOT - nhà đầu tư nào chậm trễ sẽ không cho thu phí, thanh tra các dự án BOT để đảm bảo không có sai, lạm dụng, khuất tất, trong năm 2019 triển khai thu phí tự động... 

Bộ GTVT sẽ làm hết trách nhiệm của mình để các trạm BOT ổn định lâu dài, thu hút được đầu tư BOT trong thời gian tới, ông Thể khẳng định.

Tổng cục Đường bộ vẫn quyết cắm biển “cấm dừng xe quá 5 phút”

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - khẳng định: Đây là thẩm quyền của Tổng cục và Tổng cục sẽ thực hiện việc cắm biển cấm dừng đỗ quá 5 phút tại trạm thu phí để tránh ùn tắc giao thông. Theo ông Huyện, việc cắm biển “cấm dừng xe quá 5 phút” ở trạm thu phí dựa trên cơ sở quy định tại điều 46 của Quy chuẩn Việt Nam 41. Tổng cục đường bộ cũng yêu cầu rà soát hiện trạng biển báo tại các cửa trạm thu phí để tổ chức giao thông theo hướng lắp đặt biển số P.131 “Cấm đỗ xe” phía trước trạm thu giá khoảng 100-200m, tùy theo điều kiện cụ thể để xác định khoảng cách đặt cho phù hợp.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông khẳng định: Cố ý cản trở, gây ách tắc giao thông tại các trạm thu phí là hành vi bị cấm và có quy định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tái phạm, vi phạm nặng sẽ xử lý hình sự. Bộ Công an chỉ đạo sẽ xử lý các đối tượng gây rối.

Đặng Nhật
.
.
.