Tiêu chí cao về sức khỏe nhân viên đường sắt: Nhằm an toàn cho nhiều người

Thứ Hai, 02/04/2018, 08:41
Việc nhân viên đường sắt phải có sức khỏe phù hợp với công việc rất quan trọng–nhất là những người ở vị trí liên quan đến vận chuyển hành khách...


Năm 2017 đã xảy ra 1.367 sự cố chạy tàu, tăng 147 vụ so với năm 2016, trong đó có những sự cố rất nghiêm trọng, uy hiếp an toàn chạy tàu như: Điều khiển tàu chạy khi chưa có tín hiệu cho phép ở ga Voi Xô (Lạng Sơn), đón hai tàu vào một đường ở ga Suối Vận (Bình Thuận) hoặc để tàu hỏa trôi dốc, tàu vượt mốc tránh va chạm ở ga...

Trong đó những vụ do sức khỏe của lái tàu, trực gác đường ngang không đảm bảo. Điều này cho thấy việc nhân viên đường sắt phải có sức khỏe phù hợp với công việc rất quan trọng–nhất là những người ở vị trí liên quan đến vận chuyển hành khách.

Thế nhưng khi Dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu do Bộ Y tế đưa ra thì lại có ý kiến băn khoăn về một số tiêu chuẩn liên quan đến các bệnh và vùng “nhạy cảm” trên cơ thể. 

Dự thảo Thông tư này qui định việc những người muốn trở thành lái tàu, phụ lái tàu là nam giới phải cao từ 1,64m trở lên, cân nặng từ 52kg, vòng ngực trung bình từ 80 cm, lực bóp tay thuận từ 37kg, lực kéo thân từ 100kg. Những trường hợp bị tràn dịch màng tinh hoàn, bệnh đường niệu đạo, dương vật phải can thiệp sẽ không đủ điều kiện tuyển cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu.

Nhiều vị trí trong ngành đường sắt đòi hỏi tiêu chuẩn về sức khỏe phải tốt khi tuyển lựa.

Tiêu chuẩn cho nữ là trưởng tàu, trực ban chạy tàu, nhân viên gác ghi, điều độ chạy tàu cũng rất cụ thể: Phải cao từ 1,53m, cân nặng 45kg, vòng ngực trung bình từ 75cm trở lên. Những trường hợp bị sa âm đạo, tử cung, biểu hiện viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng điều trị không kết quả, rong kinh, băng kinh, đa kinh, mổ lấy thai, u xơ tử cung chưa mổ hoặc đã mổ... cũng không đủ điều kiện để lái tàu, phụ lái tàu.

Nhiều người băn khoăn vì sao lại phải qui định chặt chẽ về cả vòng ngực hay các bệnh kín của nam giới, phụ nữ v.v… Trao đổi với chúng tôi, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, Dự thảo Thông tư này do Bộ Y tế và Cục Y tế giao thông vận tải (Bộ GTVT) đang xây dựng, nhằm phục vụ cho Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực từ 1-7-2018. Các qui định đều nhằm đảm bảo cho nhân viên đường sắt đủ sức khỏe đảm nhiệm công việc, đặc biệt là ở các vị trí có liên quan đến tính mạng nhiều người như lái tàu, phụ lái tàu, gác ghi v.v…

Ví như phụ nữ mà bị rò bàng quang âm đạo, sa âm đạo tử cung thì làm sao đủ sức khỏe để lái tàu, gác đường ngang, gác cầu, trong khi điều này liên quan đến an toàn tính mạng của hàng trăm người trên mỗi chuyến tàu.

Về tiêu chí vòng ngực mà dư luận quan tâm, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, ngực có chức năng hô hấp nên nếu đường hô hấp tốt thì vòng ngực sẽ lớn, do đó vòng ngực là một trong những chỉ số đánh giá thể trạng sức khỏe của mỗi người. Còn những người có khối u mà làm việc trong môi trường có các yếu tố độc hại dễ gia tăng nguy cơ u ác tính, hoặc tác động xấu đến sức khỏe, thậm chí giảm tuổi thọ.

Nam giới mà làm việc lâu dài trong môi trường đặc thù khiến thân nhiệt cao hơn bình thường thì có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, gây hiếm muộn. Vì thế, những trường hợp bị tràn dịch màng tinh hoàn, bệnh đường niệu đạo, dương vật phải can thiệp sẽ không đủ sức khỏe để làm việc ở vị trí lái tàu, phụ lái tàu, để đảm bảo cho chính nhân viên, đồng thời đảm bảo an toàn cho hành khách.

Theo Ban soạn thảo tiêu chuẩn quy định về sức khỏe của nhân viên đường sắt, thì chính ngành đường sắt cũng cho rằng, người lái tàu thường đi đường dài, có khi đường rừng, thời gian cũng dài, nên nếu người lái tàu mà có bệnh thì rất nguy hiểm vì không thể dừng lại, mà có dừng ở giữa rừng thì cũng không có cơ sở y tế để điều trị. Vì vậy, sức khoẻ người lái tàu đòi hỏi chặt chẽ hơn cả lái xe ôtô, là nhằm bảo vệ cho nhân viên, cũng để tránh xảy ra tai nạn, nên qui định từ khâu khám sức khỏe để tuyển là cần thiết.

Bởi chỉ một lần sức khỏe kém khiến người lái tàu, người gác ghi không còn minh mẫn là có thể khiến hàng trăm hành khách tử nạn, thương vong. Trong khi đó, môi trường làm việc ở ngành đường sắt, nhất là vị trí lái tàu, phụ lái tàu là nặng nhọc, hành trình có khi ở địa bàn hiểm trở, thức khuya, thời gian lái tàu dài, nhiều khi vào ban đêm, lại ô nhiễm khói bụi, càng đòi hỏi phải có sức khỏe. Nếu không sẽ nhanh mệt mỏi và mất tập trung dẫn đến ngủ quên, thao tác nhầm và tai nạn. Một nghiên cứu cho thấy có tới 5,4% số vụ tai nạn là do chủ quan của người lái tàu gây ra.

Làm việc ở điều kiện nặng nhọc, ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi, đòi hỏi sức khỏe của nhân viên đường sắt, nhất là lái tàu, phụ lái tàu, gác ghi v.v… phải đảm bảo. Bởi nếu không, rất dễ xảy ra tai nạn khi nhân viên đường sắt thường trong tình trạng bệnh tật, mệt mỏi, có thể gục ngã vì bệnh và gây tai nạn. Dĩ nhiên, những qui định không phù hợp như răng vẩu không được lái tàu dễ khiến mọi người hiểu lầm không cần thiết.

Được biết, ngày 2-4, Bộ Y tế và Cục Y tế giao thông vận tải (Bộ GTVT) sẽ họp để thẩm định lại các tiêu chí cho phù hợp và tiếp tục lấy ý kiến người dân. Ông Quang cho biết, Vụ Tư pháp sẽ phản biện các qui định trong Thông tư để việc đề ra các tiêu chuẩn được chặt chẽ hơn. Có thể một số qui định không cần thiết như người răng vẩu không được lái tàu, hay kiểm tra bệnh phóng xạ, máu khó đông sẽ được xem xét lại.

Thanh Hằng
.
.
.