Ngày đầu đăng ký xe máy điện: Vắng ‘như chùa bà Đanh’

Thứ Ba, 08/12/2015, 09:09
Theo quan sát của phóng viên tại một số quận, huyện của Hà Nội, không nhiều người dân đưa xe máy điện đến đăng ký.

Theo Thông tư 54 quy định về đăng ký xe do Bộ Công an ban hành, từ ngày 7-12-2015 đến 30-6-2016, việc giải quyết đăng ký, cấp biển số xe đối với môtô, xe máy điện sẽ được thực hiện và miễn nhiều loại hồ sơ, chứng từ. Những tưởng với quy định mới, thủ tục đơn giản, người dân sẽ hào hứng đi đăng ký xe. 

Thế nhưng, trong ngày 7-12, theo quan sát của phóng viên, tại  trụ sở Đội Cảnh sát giao thông, phản ứng nhanh của một số quận, huyện của Hà Nội, không nhiều người dân đưa xe máy điện đến đăng ký.

Nếu đủ giấy tờ, chỉ trong vòng 30 phút, người dân đã có thể nhận biển đăng ký xe máy điện. Ảnh: Việt Linh.

8h sáng 7-12, tại trụ sở Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, phản ứng nhanh (Công an quận Đống Đa) đã có khoảng 10 trường hợp đến đăng kí môtô, xe máy điện. Trong đó, có một số trường hợp đến hỏi về thủ tục đăng kí xe máy điện và 5 trường hợp đã đủ thủ tục gồm xe máy điện, hộ khẩu, chứng minh thư và bản thân người chủ phương tiện trực tiếp đến đăng kí. Là một trong những người đầu tiên đến làm thủ tục đăng kí xe máy điện ở Hà Nội, anh Nguyễn Văn Vị (50 tuổi, ở phường Trung Tự) cho biết: “Hôm nay gia đình tôi đến đăng ký 2 xe cho các cháu đi học. Tôi thấy thủ tục đăng ký rất nhanh chóng, thuận tiện, cán bộ nhiệt tình hướng dẫn bà con. Thủ tục rất đơn giản, khoảng 30 phút là xong”.

Trái ngược với Đống Đa, tại điểm đăng ký xe của Công an quận Hoàn Kiếm, đến 10h sáng mới có 2 người đến hỏi thủ tục đăng ký xe. Thế nhưng, sau khi quan sát chiếc xe, cán bộ tổ đăng ký xe cho biết: Một trong hai trường hợp là xe đạp điện chứ không phải xe máy điện. Theo thông tư chỉ có xe máy điện là bắt buộc đăng ký. Mặt khác, muốn đăng ký thì thủ tục phải có hóa đơn đỏ của cửa hàng bán xe, cùng với hộ khẩu thường trú, song cả hai trường hợp đến hỏi đều không đủ giấy tờ. Tại huyện Thanh Trì, tình trạng cũng không khả dĩ hơn.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Văn Dầu, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Thanh Trì cho biết, chưa có con số thống kê trên địa bàn huyện có bao nhiêu xe máy điện trong diện bắt buộc phải đăng ký.

Trong sáng 7-12, không có trường hợp nào đến hỏi thủ tục, chưa nói gì đến việc đăng ký thành công. Đến trưa 7-12, đồng chí Phạm Minh Tuấn, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông, phản ứng nhanh (Công an quận Ba Đình) cho biết, trên địa bàn Ba Đình đã có 1 trường hợp đến đăng ký xe máy điện thành công. Đồng chí Phạm Minh Tuấn chia sẻ thêm: “Với thủ tục đơn giản, hy vọng một hai ngày tới, người dân sẽ mang xe đến đăng ký nhiều hơn. Nếu sau ngày 30-6-2016, chủ phương tiện không đi đăng ký xe mà sử dụng để tham gia giao thông là vi phạm quy định pháp luật và bị xử phạt nghiêm”.

Hiện nay cả nước có khoảng 2 triệu xe đạp, xe máy điện đang lưu thông. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, số xe máy điện được đăng ký, đăng kiểm mới là hơn 30.000 chiếc. Nguyên nhân nhiều chủ xe thiếu giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có chứng từ mua bán.

Do vậy, Bộ GTVT và một số bộ, ngành đã kiến nghị Thủ tướng lùi thời hạn xử phạt xe không có biển số nhưng vẫn lưu thông đến 1-1-2016 để các chủ phương tiện có thời gian đi đăng ký.

Cùng đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho xe máy điện đăng ký mới, Bộ Công an cũng đã ban hành bằng Thông tư 15 cho phép “xe máy điện đã sử dụng trước ngày 1-7-2009 không có chứng từ nguồn gốc hoặc chứng từ chuyển nhượng không đảm bảo theo quy định, nếu chủ xe có cam kết (có xác nhận của chính quyền địa phương) thì được giải quyết đăng ký, cấp biển số xe”.

Thông tin với PV, Đại úy Tạ Ngọc Khánh, Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý phương tiện, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, tính đến 17h ngày 7-12, Công an 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã đăng ký được 43 xe máy điện, môtô điện.
Đặng Nhật
.
.
.