Ngành giao thông chao đảo do dịch COVID-19

Thứ Sáu, 28/02/2020, 09:57
Ngày 27/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với ngành giao thông. Tại đây, đại diện của các lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường sắt đã có cơ hội bày tỏ khó khăn và kiến nghị những giải pháp cho thời gian sắp tới.


Hàng không dự báo lỗ nặng

Tại cuộc họp về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến ngành giao thông vận tải, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến nay, các thị trường trọng yếu của ngành hàng không như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch.

Đến ngày 26/2, Việt Nam đã dừng và giảm tần suất một loạt chuyến bay trên các đường bay. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đã cắt toàn bộ các chuyến bay, tương đương khoảng 8 triệu khách/năm; Đài Loan (Trung Quốc) cắt 25% số chuyến, còn 172 chuyến/tuần, Hồng Kông (Trung Quốc) cắt 69% số chuyến, còn 36 chuyến/tuần.

Dự kiến ngành hàng không thiệt hại khoảng 25.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Thị trường Hàn Quốc cũng đã cắt giảm 47% số chuyến, hiện chỉ còn 309 chuyến/tuần. Sản lượng vận chuyển của thị trường này giảm nghiêm trọng, giảm từ 55-70% lượng khách Hàn Quốc; thị trường Nhật Bản dù chưa cắt giảm nhưng cũng đang đánh giá tình hình, có thể cắt giảm trong thời gian tới.

Ông Thắng dự báo, thị trường hàng không năm 2020 trong trường hợp dịch COVID-19 kiểm soát tốt trước tháng 4 thì năm nay đạt 67 triệu lượt khách, nếu kiểm soát trước tháng 6 thì sẽ giảm đến 22,6% so với năm 2019. Do vậy, dịch bệnh COVID-19 có thể làm giảm doanh thu của các hãng hàng không khoảng 25.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Vietnam Airlines lượng khách giảm trên tất cả các đường bay, kể cả đường bay châu Âu, châu Úc. Vietnam Airlines dự báo, sản lượng khách vận chuyển năm nay giảm 11,6% so với kế hoạch, doanh thu giảm 12.500 tỷ đồng, lỗ 4.300 tỷ đồng. Còn Jetstar Pacific dự kiến thu nhập giảm 732 tỷ đồng, lỗ 600 tỷ đồng.

Trước tình hình khó khăn do dịch COVID-19, đại diện Vietnam Airlines đề nghị được miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường trong năm 2020; lùi thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách, nới lỏng visa để thu hút khách từ các thị trường khác.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam chủ động đề xuất giảm giá, phí dịch vụ cho các hãng hàng không. Hiện nay, Tổng cảng hàng không, các đơn vị cung ứng xăng dầu, dịch vụ mặt đất đã áp dụng chế độ cho trả chậm đối với các hãng hàng không.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, cần phải quảng bá rộng rãi về Việt Nam là nước an toàn, Việt Nam đã xử lý dịch COVID-19 rất tốt mà chưa quốc gia nào làm được để thu hút khách quốc tế. Cùng với đó, cần tiếp tục giải pháp cách ly, kiểm soát để không lây nhiễm bệnh.

Ngoài ra, cần khuyến khích các doanh nghiệp bán máy bay cũ; tái cơ cấu; giữ lại máy bay mới. Thậm chí, các hãng hàng không có thể áp dụng chính sách cho nghỉ tạm không lương, giảm lương… Liên quan đến việc cắt giảm thuế xăng dầu, thuế môi trường hay giảm giá dịch vụ hàng không, giá dịch vụ cất hạ cánh… cần kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Vận tải đường bộ, đường sắt, hàng hải cũng lao đao

Trước đó, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, trong lĩnh vực hàng không, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay này của các hãng hàng không Việt Nam là khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng. Về hàng hải, sản lượng vận tải hàng hoá giảm 30% so với tháng 1-2020 và giảm 0,3% so với cùng kỳ; sản lượng hành khách giảm tương ứng 17,8% và 3,4%. Cácdoanh nghiệp vận tải biển trong nước đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung đầu vào (nguyên vật liệu) cho hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Sản lượng vận tải hàng hoá đường bộ trong tháng 1 cũng giảm 6,4%, sản lượng hành khách giảm 16,3% so với tháng 1/2020 và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Về đường sắt, sản lượng hành khách giảm 45% so với tháng 1-2020 và giảm 47,4 % so với cùng kỳ năm 2019.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan liên quan phải rà soát kỹ những ảnh hưởng do dịch COVID-19. “Diễn biến dịch bệnh liên tục thay đổi do đó số liệu thiệt hại cũng phải được cập nhật hàng ngày, hàng tuần, từ đó đưa ra các đề xuất hợp lý, phù hợp với quy định pháp luật”, Bộ trưởng nói.

“Những đề xuất, kiến nghị nào thuộc thẩm quyền của Bộ thì có thể quyết ngay. Những gì thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành khác, thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội thì Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị. Khó đến đâu kiến nghị đến đấy”, Bộ trưởng chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, hoạt động xuất nhập hàng hóa qua biên giới, đường không, đường biển, đường sắt phải liên tục, đảm bảo nhu cầu sản xuất trong nước.

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan quản lý chuyên ngành tích cực phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, hàng hải mở mới các thị trường vận tải quốc tế; mở mới các tuyến vận tải nội địa; đồng thời đẩy mạnh việc tái cơ cấu thị trường vận tải trong nước; khuyến cáo, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thanh lý, hoàn trả, chấm dứt đối với các phương tiện vận tải đã cũ hoặc không còn nhu cầu sử dụng; tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu biên giới theo quy định của pháp luật, trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát chặt chẽ về phòng chống dịch bệnh…

Phạm Huyền
.
.
.