Mỗi chuyến bay phải có phương án an toàn chống dịch
Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo việc “mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam-Nhật Bản, Hàn Quốc”.
Các chuyến bay quốc tế phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Ảnh: CTV. |
Đề xuất bay thương mại Việt Nam - Nhật Bản, Hàn Quốc từ ngày 15-9
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, 80% máy bay của Việt Nam đang phải nằm chờ, các hãng hàng không rất mong mỏi được khai thác trở lại đường bay quốc tế, tới các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó, cơ quan này đã có văn bản đề xuất lên Bộ GTVT. Dự kiến, đầu tháng 9, Bộ GTVT sẽ làm việc với các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội vấn đề mở lại đường bay thương mại tới Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Trên cơ sở thống nhất với các đối tác, trong văn bản trình Bộ GTVT, Cục Hàng không đề xuất khai thác mỗi tuần 4 chuyến bay khứ hồi đến/đi từ Nhật Bản và 4 chuyến bay khứ hồi đến/đi từ Hàn Quốc. Trong đó, hãng bay Việt Nam sẽ thực hiện 2 chuyến và mỗi đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc vận chuyển 2 chuyến” – vị lãnh đạo thông tin thêm.
Được biết, ngoại trừ các chuyến bay “giải cứu” công dân theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Việt Nam vẫn đang khai thác bay chở khách thương mại 1 chiều tới Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng không chở khách từ hai nước này về Việt Nam. Đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định các hãng bay của Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đảm bảo cao nhất theo yêu cầu y tế và khuyến cáo của các nhà chức trách hàng không.
Mặc dù đã đề xuất khai thác từ 15-9, nhưng việc mở lại đường bay quốc tế tới Nhật Bản, Hàn Quốc có thực hiện được hay không phải chờ ý kiến của các cơ quan chức năng khác, đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng. Lí do vì liên quan năng lực cách ly trong nước, phí cách ly áp dụng từ 1-9 và quy định kiểm soát dịch với việc nhập cảnh. Sau khi có thống nhất, chấp thuận mở lại đường bay, khai thác thương mại, Bộ GTVT sẽ quyết định cho phép các hãng mở bán vé.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19, đề nghị Bộ GTVT báo cáo nội dung trên. Trước mắt, Bộ chỉ đạo thực hiện chuyến bay đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh được giao chủ trì tổ chức điều phối chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước; tạo thuận lợi đưa chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh. Mỗi chuyến bay phải có phương án cụ thể đảm bảo an toàn, kể cả cách ly phù hợp với từng nhóm người nhập cảnh.
Thủ tướng cũng đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp Hàn Quốc (theo danh sách của Đại sứ quán Hàn Quốc đề nghị) được sớm nhập cảnh, thực hiện các chuyến công tác ngắn ngày tại Việt Nam; đồng thời xem xét, giải quyết cụ thể với các nhà đầu tư khác.
Trước đó, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không, nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo Vietjet đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở đường bay quốc tế đến một số thị trường trọng điểm đang kiểm soát dịch tốt. Cụ thể, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không đề nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch COVID-19, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không. Qua đó, cho phép khách du lịch nhập cảnh nếu họ đáp ứng được những yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Đảm bảo an toàn trên mỗi chuyến bay mùa dịch là yêu cầu hàng đầu với các hãng hàng không. |
Đã có nhiều quốc gia mở đường bay quốc tế
Chính phủ Singapore vừa quyết định mở đường bay quốc tế đến Brunei và New Zealand từ 1-9. Trước đó nước này đã mở đường bay quốc tế đến Malaysia và 6 tỉnh, thành lớn của Trung Quốc. Để cứu vãn nền kinh tế, Singapore đã từng bước mở đường bay quốc tế đến các quốc gia kiểm soát dịch tốt. Khách du lịch đến Singapore không bị cách ly 14 ngày nhưng bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước 48 giờ, kể từ lúc nhập cảnh vào nước này. Nếu kết quả dương tính với COVID-19, khách sẽ bị cách ly và phải trả tiền điều trị. Khách nước ngoài không được tham gia các phương tiện công cộng khối lớn như tàu điện, xe buýt. Thay vào đó họ phải di chuyển bằng taxi, hoặc thuê phương tiện cá nhân.
Tương tự, Brunei yêu cầu người nhập cảnh phải chứng minh khả năng tài chính có thể chi trả các chi phí ăn ở nếu họ bị dương tính với COVID- 19 và phải cách ly bắt buộc trong 14 ngày. Còn phía Trung Quốc thì yêu cầu khách đến nước này phải có kết quả âm tính (trong 5 ngày trước ngày nhập cảnh) và phải cam kết không tiếp xúc với người dương tính trong 14 ngày gần nhất. Trong 50 ngày qua, kể từ thời điểm mở một số đường bay quốc tế, Singapore đã đón 83.000 khách du lịch, trong đó có 152 người dương tính với COVID-19.
Tại châu Âu, tính tới nay đã có rất nhiều quốc gia mở cửa biên giới trở lại và cho các đường bay quốc tế hoạt động để đón khách du lịch. Hầu hết những nước đã mở cửa trở lại thuộc Liên minh châu Âu và nằm trong khu vực Schengen, bao gồm: Pháp, Ý, Na Uy, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Iceland, Australia, Thụy Sĩ, Belarus và một số nước khác.