Minh bạch trong các dự án BOT để người dân đồng thuận

Chủ Nhật, 03/12/2017, 09:02
Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án thu giá không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên vừa được Bộ GTVT tổ chức, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để dự án triển khai đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng. Trường hợp nhà đầu tư BOT không triển khai sẽ dừng thu giá.

Theo Quyết định số 4390 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), dự án thu phí tự động không dừng (ETC) giai đoạn 1 áp dụng với 27 trạm BOT trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và Quốc lộ 1 theo công nghệ mới RFID - sử dụng sóng radio nhận diện tự động phương tiện có gắn thẻ E-tag dán lên kính hoặc đèn xe. Từ thẻ E-tag, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ xe. 

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, nhấn mạnh việc lắp đặt thu phí không dừng để người dân tin tưởng vào tính công khai, minh bạch của thu phí BOT. Do đó Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu 27 trạm BOT trên phải đưa vào vận hành thương mại từ đầu tháng 10-2017. Tuy nhiên, đến nay không thể thực hiện được vì sự chậm trễ của một số nhà đầu tư BOT. 

Cũng không ít ý kiến cho rằng, nếu cơ quan chức năng không kiên quyết với các nhà đầu tư thì khó đạt được mục tiêu đề ra, là minh bạch trong thu phí.

Việc lắp đặt thiết bị thu phí không dừng hiện nay tốc độ rất chậm.

Ngày 30-11, nói về tiến độ Dự án, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo kế hoạch đến hết tháng 10-2017, tất cả các trạm phải chạy thương mại. Tuy nhiên, vì một số lý do phải lùi đến hết tháng 12-2017.

Ông Huyện cho biết thêm, đến nay, đã ký hợp đồng được 25 trạm, còn 2 trạm của nhà đầu tư tuyến Cần Thơ - Phụng Hiệp và trạm Cam Thịnh (Khánh Hòa) chưa ký hợp đồng. Trong số 27 trạm, đã có 15 trạm vận hành thương mại, 10 trạm đang lắp đặt, dự kiến vận hành trong tháng 1-2018. 

“Tổng cục đã đàm phán với nhà đầu tư trạm Cam Thịnh 7 lần và Cần Thơ - Phụng Hiệp 5 lần. Trong đó, chỉ có nhà đầu tư Cần Thơ - Phụng Hiệp đã thống nhất ký hợp đồng với nhà đầu tư cung cấp dịch vụ thu giá không dừng (VETC)”, ông Huyện nói và kiến nghị tạm dừng thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với trạm Cam Thịnh để đàm phán triển khai hệ thống thu giá tự động không dừng. Thời gian dừng thu không trừ vào thời gian thu hoàn vốn dự án.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao các đơn vị liên quan nghiên cứu về thời gian được quy định trong Quyết định 07 của Thủ tướng về thu phí không dừng các trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và trên các tuyến quốc lộ để tham mưu thực hiện đúng quy định. 

Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu sớm nghiên cứu hình thành thêm một số nhà đầu tư cung cấp dịch vụ thu phí không dừng tương tự như VETC, qua đó tạo sự công khai, minh bạch trong thu phí. 

Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình để đến cuối năm 2018 thu phí không dừng tất cả các trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Phải xây dựng kế hoạch công bố rộng rãi lộ trình áp dụng thu không dừng các tuyến đường cụ thể trên Báo Giao thông và website của Bộ. Đây là cơ sở để làm việc với các nhà đầu tư BOT. Báo Giao thông phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chủ trương này. 

Bộ trưởng cũng yêu cầu phải rà soát lại năng lực nhà cung cấp dịch vụ thu giá không dừng VETC, có giải pháp điều thêm nhân lực công nghệ thông tin, cần thiết có thể giảm hợp đồng, quy mô thực hiện dự án đối với nhà cung cấp dịch vụ VETC, khuyến khích nhà cung cấp dịch vụ khác cùng tham gia thực hiện dự án. 

“Theo tiến độ, đến hết tháng 12, trạm BOT nào không triển khai sẽ dừng thu giá. Đây là biện pháp mạnh để xã hội thấy chúng ta làm nghiêm minh, tạo thuận lợi cho người dân. Thu giá không dừng hiện nay vẫn còn nửa vời vì mới chỉ triển khai được một làn mỗi chiều đường, còn lại vẫn thu thủ công. Phải tiến tới thu không dừng ở tất cả các làn mới đảm bảo công khai minh bạch. Sắp tới, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ thu không dừng toàn bộ”, Bộ trưởng nói. 

Khẳng định trong thời gian tới dư luận sẽ bớt dần bức xúc đối với các dự án BOT, Bộ trưởng cũng nêu rõ: Quan trọng là phải minh bạch để người dân nắm được, hiểu được và chia sẻ. Cụ thể, minh bạch đầu vào dự án thông qua công tác quyết toán, đồng thời minh bạch đầu ra thông qua việc công khai mức thu, số thu mỗi lượt, mỗi ngày. Muốn làm được điều đó, thì đến năm 2019 tất cả các trạm BOT phải áp dụng công nghệ thu phí tự động ở tất cả các làn.

Đặng Nhật
.
.
.