Mất an toàn giao thông trên đại lộ “ngàn tỷ” ở Hà Nội

Thứ Sáu, 04/08/2017, 10:10
Chiều 2-8, khảo sát trên dọc tuyến đường gom của đại lộ Thăng Long từ km 4 đến km 20, chúng tôi thấy, lượng phương tiện tham gia giao thông khá lớn, trong khi đó làn đường gom nhỏ hẹp với hai làn xe. Theo hướng lưu thông thuận chiều, các phương tiện ôtô, xe máy, xe thô sơ gần như “choán” hết tuyến đường gom, khiến người điều khiển xe máy, xe thô sơ theo chiều ngược lại phải nép sát vào lề đường. 


Là tuyến đường có độ dài gần 30km với tổng mức kinh phí đầu tư trên 7.500 tỷ đồng, đại lộ Thăng Long đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn các huyện ngoại thành mà nó đi qua. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân sinh sống trên địa bàn, dự án đã thiết kế và đưa vào sử dụng hệ thống đường gom, cho phép xe máy, xe thô sơ được lưu thông hai chiều, còn xe ôtô chỉ được phép lưu thông một chiều. Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống đường gom đang lộ rõ nhiều bất cập tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Chiều 2-8, khảo sát trên dọc tuyến đường gom của đại lộ Thăng Long từ km 4 đến km 20, chúng tôi thấy, lượng phương tiện tham gia giao thông khá lớn, trong khi đó làn đường gom nhỏ hẹp với hai làn xe. Theo hướng lưu thông thuận chiều, các phương tiện ôtô, xe máy, xe thô sơ gần như “choán” hết tuyến đường gom, khiến người điều khiển xe máy, xe thô sơ theo chiều ngược lại phải nép sát vào lề đường.

Nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến đường gom đại lộ Thăng Long.

Đáng lo ngại hơn khi, tại nhiều vị trí, tuyến đường gom này giao cắt với hệ thống cầu chui dân sinh, xe máy, xe thô sơ của người dân sinh sống trên địa bàn đột ngột cắt ngang. Những lúc như vậy, chỉ một chút bất cẩn, thiếu quan sát, va chạm, tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra là điều khó tránh khỏi. 16h cùng ngày, có mặt tại khu vực cầu chui ôtô đoạn thuộc km 11+757, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, chúng tôi giật mình trước hình ảnh những chiếc xe máy ép sát vào mép đường, phía xa, 2-3 xe ôtô tải dường như không biết đến làn đường này cho phép xe máy đi hai chiều đang lấn hết phần đường đi tới.

 Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chỉ tính riêng trên địa bàn xã Song Phương (Hoài Đức) có 6 thôn với hơn 13 ngàn nhân khẩu. Nhu cầu sử dụng hệ thống đường gom đại lộ Thăng Long để đi lại, giao thương hàng hóa là rất lớn. Ông Đỗ Văn Thành, Công an viên Công an xã Song Phương cho rằng, nguy cơ xảy ra va chạm, TNGT luôn tiềm ẩn khi lưu thông trên hệ thống đường gom.

Ngày 3-8, trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thuyên, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 11, Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội cũng tỏ ra lo ngại trước nguy cơ mất ATGT đi kèm với những bất cập về tổ chức giao thông cũng như sự xuống cấp của hệ thống cơ sở hạ tầng trên trục Đại lộ Thăng Long hiện nay.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thuyên cho hay, hệ thống đường gom của Đại lộ Thăng Long được tổ chức giao thông đi một chiều đối với xe ôtô và hai chiều đối với xe môtô, xe thô sơ. Chiều rộng lòng đường gom là 11,5m với 23 cầu chui dân sinh - cầu chui ôtô giao cắt. Trên dọc tuyến đại lộ, hiện nay, hệ thống biển báo hiệu giao thông chưa được lắp đặt một cách đồng bộ; hai bên đường gom (là đường hai chiều) chưa sơn lại vạch sơn phân chia hai chiều xe chạy (vạch tim đường) theo quy chuẩn 41:2016/BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.

Cùng với đó, tại km 8+400 m đường gom trái hướng Hà Nội - Hòa Lạc chưa có biển cấm xe ôtô từ đường Lê Trọng Tấn rẽ trái vào đại lộ Thăng Long; cuối đại lộ Thăng Long, cao tốc phải tại km 29+600 m chưa có biển hạn chế tốc độ từ 100km/h xuống 80km/h xuống 60km/h để các phương tiện giảm tốc độ chú ý quan sát chọn lộ trình tiếp theo đi Sơn Tây, Xuân Mai…

Cũng theo đại diện Đội CSGT số 11, hai bên đường gom của đại lộ Thăng Long, tại nhiều vị trí, cây xanh um tùm che khuất một số biển báo hiệu đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đấy còn chưa kể đến việc hai bên đường gom trái và phải từ km 8 - km 9+500m, mặt đường xuống cấp, xuất hiện nhiều “ổ gà”, đặc biệt là bên đường gom phải (trước hầm chui số 3 đi Thiên Đường Bảo Sơn). Khi xảy ra mưa lớn, tại khu vực này thường xuyên xảy ra hiện tượng ngập úng gây mất ATGT.

Trần Huy
.
.
.