Trông chờ sức bật mới từ đường sắt tốc độ cao

Thứ Hai, 09/11/2020, 08:12
Thị phần vận tải của ngành Đường sắt đến thời điểm này đang được coi là thấp nhất trong lịch sử. Với sự cạnh tranh và đòi hỏi “khắc nghiệt” từ thị trường, đến bao giờ ngành Đường sắt mới có thể trở lại thời hoàng kim? Biết rằng, câu hỏi khó tìm lời đáp, song ngành Đường sắt vẫn đang trông chờ vào sự đổi mới từ đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam…

Năng lực vận tải của toàn ngành xuống còn 1,9%...

Ngành Đường sắt Việt Nam ra đời năm 1881, đến năm 1986 thì bắt tay vào chương trình khôi phục và hiện đại hóa với mục tiêu đưa đường sắt trở thành ngành vận tải hàng đầu của Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước và hòa nhập với đường sắt trong khu vực Đông Nam Á. Khi đó, đường sắt chiếm tới 30% năng lực vận tải của toàn ngành giao thông. Thế nhưng sau hơn 30 năm, với gần 2.000km trải dài từ Bắc vào Nam mà đường sắt chỉ còn phục vụ 1,9% nhu cầu vận chuyển toàn quốc.

Số liệu thống kê của 3 năm gần nhất 2017, 2018 và 2019 cho thấy, thị phần vận tải hành khách lần lượt là 2%, 1,71% và 1,29%; thị phần vận tải hàng hoá lần lượt là 1,33%; 1,30% và 1,04%. Cùng đó, vận tải liên vận quốc tế chưa ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng; còn xảy ra một số vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng. Đỉnh điểm năm nay, thị phần vận tải của ngành Đường sắt đang ở mức thấp nhất trong lịch sử khi chỉ chiếm chưa đầy 0,2% sản lượng vận chuyển hành khách và 1,2% sản lượng vận tải hàng hóa…

Bên cạnh những khó khăn cố hữu liên quan đến hạ tầng, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã nhiều lần chia sẻ nút thắt lớn nhất trong công cuộc phát triển đường sắt chính là cơ chế. Hiện nay, toàn bộ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bao gồm hệ thống đường ray, thông tin tín hiệu và các nhà ga đang giao cho VNR trực tiếp quản lý sử dụng, khai thác. Tuy nhiên, việc bảo trì, đầu tư phát triển khối tài sản này đều do ngân sách chi trả. Nhà nước không có vốn, doanh nghiệp có tiền cũng không thể bỏ ra để đầu tư.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết những tồn tại này, ngoài các biện pháp mang tính cấp bách, cần giải pháp mang tính lâu dài như tăng cường đầu tư, hiện đại hóa cho hệ thống đường sắt Bắc - Nam, kết nối tốt với các phương thức vận tải khác, đặc biệt là các cảng biển quốc tế. Bên cạnh đó, đại diện một số bộ, ngành cũng nêu quan điểm. Thời gian tới đây, cần xem xét bố trí từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Trung ương và địa phương, vốn ODA vay nước ngoài để đầu tư cho đường sắt.

Một điểm nữa, đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, là vốn lớn, song việc cải thiện trong quản trị cần thay đổi. Nếu duy trì như hiện nay, khó mà cạnh tranh với phương tiện khác. Còn vấn đề xã hội hoá, trong luật PPP cho phép, đường sắt có thể đầu tư theo luật này.

Đường sắt Việt Nam hiện quá lạc hậu.

Xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là xương sống của chiến lược

Gần đây nhất, Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về dự thảo Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam. Cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh hệ thống đường sắt quốc gia còn lạc hậu, tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ngày càng nghiêm trọng, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện có và phát triển các tuyến đường sắt mới, đường sắt đô thị đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là rất cần thiết.

Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ GTVT xây dựng chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt đồng bộ. Tập trung cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện có như tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng... Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch; nghiên cứu, triển khai xây dựng mới các tuyến đường sắt nối với các cảng biển lớn, khu công nghiệp, du lịch, đường sắt nối với các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, đường sắt kết nối quốc tế. Đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là xương sống của chiến lược.

Trước đó, vào năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và phê duyệt Điều chỉnh Qui hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo các chiến lược, quy hoạch này, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, sẽ phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia và đô thị đối với cả mạng đường sắt hiện có và đường sắt xây dựng mới.

Cụ thể, đối với mạng đường sắt hiện có, hoàn thành cải tạo, nâng cấp và khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải; hoàn thành xây dựng hệ thống công trình bảo đảm trật tự hành lang ATGT đường sắt, các điểm giao cắt khác mức giữa đường bộ và đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt. Đối với đường sắt xây dựng mới, triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h), đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.

Đặng Nhật
.
.
.