Loanh quanh xe di dời lại về bến cũ!

Thứ Hai, 08/06/2015, 14:13
Giữa lúc thành phố Hồ Chí Minh đang gian nan dẹp nạn “xe dù”, “bến cóc”, thì tại Hà Nội ngành chức năng vẫn loay hoay với bài toán sắp xếp luồng tuyến xe khách hậu vụ quá tải bến xe Mỹ Đình. Phóng viên Báo CAND đi sâu tìm hiểu kết quả của việc sắp xếp luồng tuyến xe vận tải hành khách sau sự kiện quá tải bến xe Mỹ Đình theo chủ trương của thành phố, để sáng tỏ nguyên nhân sâu xa dẫn tới “xe dù”, “bến cóc”, xe chạy xuyên tâm vẫn có cơ hội hoạt động ở Thủ đô...

Kế hoạch nhiều, làm chưa được bao nhiêu

Sau sự cố quá tải bến xe Mỹ Đình (vượt 1.300 lượt xe/ngày đêm so với công suất thiết kế ban đầu của bến là 800 lượt xe/ngày đêm) gây mất trật tự an toàn giao thông mà Báo CAND đã phản ánh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu chấn chỉnh ngay tình trạng quá tải, lộn xộn trong vận tải khách của bến xe Mỹ Đình.

Quyền lợi của hành khách cần được bảo đảm khi tham gia giao thông.

Theo đó về giải pháp trước mắt, Chủ tịch thành phố giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với Công an thành phố nghiên cứu phân luồng, phân tuyến các bến xe; căn cứ vào lượng xe của thành phố để nghiên cứu đầu tư bến xe mới hoặc mở rộng theo quy hoạch..

Về lâu dài, Kết luận số 211/TB-UBND của Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, việc tổ chức các bến xe phục vụ hành khách đi về Hà Nội phải tuân thủ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Giải pháp thực hiện là Sở GTVT phải tổ chức sắp xếp khoa học, hợp lý các tuyến xe theo hướng quốc lộ 1, quốc lộ 1B đi vào bến xe Gia Lâm; các tuyến đi theo đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 6 đi vào bến xe Yên Nghĩa; các tuyến đi theo hướng quốc lộ 32 vào bến xe Mỹ Đình; các tuyến phía Nam đi theo hướng quốc lộ 1, đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đi vào bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm...

Đến nay, đã hai năm trôi qua kể từ khi Thông báo số 211/TB-UBND của thành phố được ban hành, điều dễ nhận thấy là bến xe Mỹ Đình đã được mở rộng thêm phần đất khoảng 1.3000m² liền kề mà trước đây đã bị sử dụng lập bến xe trái phép. Đây là một nỗ lực của ngành GTVT thành phố, tăng đáng kể số đầu xe hoạt động phục vụ nhân dân đi lại tại bến này.

Việc điều chuyển, sắp xếp phương tiện từ bến xe Mỹ Đình đến bến khác cũng đã diễn ra. Nhưng điều đó chưa đủ để nói lên những chuyển biến tích cực của lĩnh vực vận tải khách công cộng mà người dân kỳ vọng trong quy hoạch Thủ đô. Kết quả do ngành chức năng Hà Nội đưa ra, là đã thực hiện điều chuyển 61 xe tuyến Thái Nguyên-Hà Nội từ bến Mỹ Đình về bến xe Nam Thăng Long từ ngày 15/8/2013; việc điều chuyển 525 phương tiện từ bến xe Mỹ Đình tới các bến khác theo Quyết định 1046/KH-SGTVT ngày 17/7/2013 của Sở GTVT Hà Nội đến nay dường như giậm chân tại chỗ với lý do gặp phải kiến nghị của một số địa phương, đơn vị vận tải... đề nghị nghiên cứu lại việc điều chuyển.

Thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được, là số đầu phương tiện chuyển từ bến Mỹ Đình đến bến Nam Thăng Long năm 2013, nay có xu hướng được cơ quan quản lý cho chuyển trở lại bến xe Mỹ Đình hoạt động...

Giải pháp căn cơ: Thực hiện nghiêm quy hoạch luồng tuyến xe

Hệ quả của việc chậm điều chuyển phương tiện theo đúng quy hoạch mạng lưới vận tải khách như nội dung Thông báo số 211/TB-UBND của thành phố, chính là nạn “xe dù”, “bến cóc” có cơ hội hoạt động. Vì tình trạng quá tải phương tiện nên bến trái phép đã mọc lên ngay sát vách bến xe Mỹ Đình trong nhiều năm qua, chỉ khi thành phố ra tay tới nay mới được xóa bỏ.

Cách bến Mỹ Đình không xa, “bến cóc” vẫn ngang nhiên hoạt động cho dù ngành chức năng đã biết và nhiều lần kiểm tra, ngăn chặn. Việc điều chuyển phương tiện chưa hợp lý đã phát sinh hàng trăm lượt xe khách chạy lòng vòng đón khách, chạy xuyên tâm thành phố, chạy sai lộ trình... gây mất trật tự an toàn giao thông khiến các lực lượng chức năng phải gia tăng hoạt động nhưng khó có thể xử lý triệt để. Cuối cùng là hành khách tham gia giao thông phải chấp nhận chất lượng phục vụ thấp khi phải chen lấn, xô đẩy mỗi khi có nhu cầu đi lại trên các tuyến xe khách, nhất là thời điểm nghĩ lễ, Tết mà báo chí đã lên tiếng.

Điều mà dư luận băn khoăn là kế hoạch thực hiện nội dung Kết luận số 211/TB-UBND của Chủ tịch UBND thành phố đã rất rõ ràng, khoa học, tuân thủ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, được Văn phòng Chính phủ chỉ đạo, Bộ GTVT tích cực tham gia, nhưng việc điều chuyển phương tiện không đạt và chưa đúng như kế hoạch đặt ra.

Mặt khác, mục đích thành phố chủ trương nhanh chóng cải tạo mở rộng bến xe Mỹ Đình là nhằm giảm tải trực tiếp mật độ phương tiện cho bến xe này, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân. Điều đó không đồng nghĩa với việc sau khi mở rộng lại gia tăng các đầu phương tiện về bến Mỹ Đình một cách mất kiểm soát như trước đây, thì quá tải sẽ là điều khó tránh khỏi. Việc điều chuyển phương tiện cần xem xét tới lợi ích của các nhà xe, nhưng đồng thời cũng phải hài hòa với lợi ích của Nhà nước cũng như lợi ích của người tham gia giao thông.

Nếu lợi ích của Nhà nước mà bị xem nhẹ, cụ thể ở đây ngành GTVT Hà Nội không quyết liệt thực hiện quy hoạch các bến xe, thực hiện điều chuyển luồng tuyến và phương tiện theo đúng kế hoạch được duyệt, thì không những giao thông Thủ đô tiếp tục nảy sinh bất cập, quyền lợi của hành khách không được bảo đảm, mà trật tự an toàn giao thông cũng bị xâm hại, cho dù chúng ta đã có quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: Tiếp tục điều chuyển phương tiện vận tải khách đúng với quy hoạch như Thông báo số 211/TB-UBND của thành phố

Thành phố chủ trương nhất quán thực hiện việc đầu tư các bến xe liên tỉnh, mạng lưới giao thông kết nối các bến xe theo hướng Đông-Tây-Nam-Bắc đúng theo quy hoạch, có lộ trình phù hợp, bảo đảm tính khả thi, có biện pháp trước mắt và lâu dài đảm bảo cho hành khách đi lại thuận lợi, giảm ùn tắc giao thông. Tiếp tục sắp xếp khoa học, hợp lý các tuyến và phương tiện vận tải khách đúng như quy hoạch và kế hoạch đã đặt ra.

Việc UBND thành phố ban hành Công văn số 10187/UBND-XDGT ngày 27/12/2014 về việc điều chuyển một số tuyến vận tải khách chính là tiếp tục thực hiện nội dung Thông báo số 211/TB-UBND của UBND thành phố đã ban hành. Bên cạnh đó, các bước cụ thể của ngành chức năng đều phải phục vụ chủ trương nhất quán của thành phố là thu hút các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông Thủ đô, hài hòa các lợi ích. 

Nhóm PV
.
.
.