Lo ngại ùn tắc giao thông trước và sau Tết Dương lịch

Thứ Ba, 12/12/2017, 10:49
Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, đợt nghỉ Tết Dương lịch và Nguyên đán 2018 sắp tới nhu cầu tàu xe tăng mạnh, dự kiến lượng khách sẽ tăng khoảng 20% đến 40% so với ngày thường. Do đó, tình trạng ùn tắc cục bộ có thể xảy ra.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND chiều 11-12, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, mặc dù Tết Dương lịch năm nay cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 3 ngày, từ 30-12-2017 đến hết ngày 1-1-2018, nhưng nhiều người sẽ về quê, hoặc đi nghỉ từ trưa, chiều thứ 6 (tức ngày 29-12-2017), do đó, lượng khách chắc chắn sẽ tăng nhiều so với ngày thường và tăng cao hơn ngày cuối tuần.

Hiện nay, các phương tiện vận tải trên các bến đạt bình quân hơn 50% hệ số trọng tải phương tiện, vì vậy, lượng xe đang hoạt động cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.

Tuy nhiên, đối với một số tuyến ngắn như: Quảng Ninh, Thanh Hoá, Thái Bình, Sơn La, Lào Cai... có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào một số thời điểm trong ngày. Đối với Tết Nguyên đán Mậu Tuất, đợt cao điểm sẽ diễn ra từ ngày 7-2-2018 đến hết ngày 15-2-2018, vì đây là ngày người lao động tự do và sinh viên bắt đầu kỳ nghỉ, về quê.

Nhu cầu đi lại của người dân vào dịp lễ, Tết tăng cao đột biến. Ảnh: CTV

Từ ngày 15-2- 2018, cán bộ công nhân viên chức, người lao động ở các cơ quan hành chính, doanh nghiệp bắt đầu đợt nghỉ Tết kéo dài 7 ngày. Đây là kỳ nghỉ lễ quan trọng nên nhu cầu đi lại của hành khách cũng sẽ tăng cao đột biến.

Đối với một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hoá, Thái Bình, Vinh… cũng có thể ùn cục bộ vào từng thời điểm. “Song lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày”, ông Nguyễn Anh Toàn khẳng định.

Theo Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, trong thời gian trước Tết, lượng khách tập trung đông chủ yếu ở các tuyến đường ngắn. Sau thời gian nghỉ Tết, lượng khách lại tăng mạnh trên các tuyến đường dài như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Gia Lai, Buôn Mê Thuột... tập trung tại Bến xe Giáp Bát. Dự kiến, tại Bến xe Giáp Bát, lượng khách cao nhất trong các ngày cao điểm sẽ tăng từ 130-180% so với ngày thường, với khoảng 1.120 lượt xe/ngày, tăng 115% so với ngày thường.

Tại bến Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm sẽ tăng lên hơn 150% so với ngày thường, với khoảng 1.200 lượt xe/ngày, tăng khoảng 115% so với ngày thường, chủ yếu xe đi các tuyến: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Phú Thọ...

Tại bến Gia Lâm, ước tính lượng khách trong thời gian cao điểm sẽ tăng mạnh nhất, khoảng 200% so với ngày thường. Lượt xe dự kiến là 870 xe, tăng 115% so với ngày thường, chủ yếu tập trung ở các tuyến như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang...

Chưa có đơn vị nào đăng ký tăng giá vé xe khách dịp Tết.

Năm nay, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị vận tải bố trí phương tiện đảm bảo số lượng phương tiện để vận hành theo biểu đồ hoạt động đã đăng ký và tăng cường khi có yêu cầu phát sinh.

Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội cấp 700 phù hiệu xe tăng cường mỗi đợt để giải toả khách. Trường hợp nếu phát sinh thêm sẽ đề nghị cấp thêm phù hiệu. Đơn vị này cũng đề nghị Tổng Công ty Vận tải Hà Nội hỗ trợ huy động một số xe dự phòng nhằm giải tỏa hết khách trong ngày cao điểm.

Trao đổi thêm về giá vé, ông Nguyễn Anh Toàn cho hay, hiện nay chưa có đơn vị nào đề xuất tăng giá dịp Tết. Tuy nhiên, theo quy định trước dịp cao điểm Tết từ 5-7 ngày, đơn vị nào muốn tăng giá phải gửi hồ sơ về bến và thông báo về Sở GTVT.

Như vậy, đến hết ngày 25-12, sẽ là hạn chót để biết chính thức có đơn vị nào tăng vé hay không.

Phạm Huyền
.
.
.