Làm đường giao thông bằng rác thải tái chế

Thứ Ba, 27/08/2019, 08:05
Trong bối cảnh rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng đang là một vấn nạn của Việt Nam thì mới đây một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH Giao thông Vận tải đã nghiên cứu thành công sử dụng rác thải nhựa tái chế làm phụ gia trong làm đường giao thông.


Nếu thử nghiệm thành công và đưa vào ứng dụng thực tiễn thì đây là một công trình mang tính đột phá trong xây dựng đường và xử lý rác thải ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học trường Đại học Giao thông Vận tải cho thấy, sử dụng rác thải nhựa thay phụ gia trong làm đường giao thông ở Việt Nam không chỉ làm tăng cường độ, khắc phục được hằn lún vệt bánh xe của bê tông nhựa mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên.

Nhóm nghiên cứu tại điểm thử nghiệm tại Quốc Oai (Hà Nội).

Ở Việt Nam, rác thải sinh hoạt phần lớn được thu gom để chôn lấp không qua xử lý, trong đó rác thải nhựa chiếm từ 8-12% tương ứng với gần 2,5 triệu tấn/năm, việc chôn lấp rác không qua xử lý làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực chôn lấp, tốn diện tích làm bãi chôn. Đặc biệt là rác thải nylon sau khi chôn lấp cần hàng trăm năm mới phân hủy được.

Tháng 6-2019, phát biểu tại diễn đàn nhà báo với môi trường và biển đảo lần thứ III có chủ đề “Chống rác thải nhựa: Trách nhiệm quản lý – Truyền thông – Doanh nghiệp”, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã nhấn mạnh: Việt Nam có nguy cơ phải chịu ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa, nếu không có biện pháp hạn chế, khắc phục tình trạng này thì “hậu quả sẽ khó lường”.

Bên cạnh việc hạn chế sử dụng túi nilon, vật dụng phát sinh rác thải nhựa; tìm kiếm vật liệu mới thay thế; phát triển công nghệ tái chế, xử lý rác thải nhựa… thì nghiên cứu sử dụng các loại phế thải nhựa làm phụ gia bê tông nhựa làm đường giao thông được nhiều nước quan tâm.

Ấn Độ là nước đi đầu trong việc này, đã thi công hàng trăm km đường đảm bảo khai thác tốt trong điều kiện nóng ẩm. Các nước đang phát triển như Iran, Sudan, Pakistan, Malaysia… cũng đã có những nghiên cứu tương tự.

Theo TS. Nguyễn Hồng Quân, thành viên của nhóm nghiên cứu thì việc sử dựng rác thải nhựa vào làm đường giao thông không chỉ đơn thuần nghiên cứu làm tăng cường độ của mặt đường bê tông nhựa mà còn phục vụ cho việc tái chế, sử dụng phế thải, làm giảm rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành rải thử nghiệm đoạn đường dài 30m, rộng 3,25m trên đường tỉnh 421B, đoạn chạy qua địa bàn huyện Quốc Oai – TP Hà Nội, kết quả cho thấy bê tông nhựa sử dụng phụ gia phế thải nhựa có thể thi công được bằng công nghệ hiện có, đảm bảo độ đồng đều và có tác dụng rõ ràng làm tăng các đặc tính cơ lý của bê tông nhựa.

Như vậy, nếu áp dụng trong thực tiễn, mỗi 1km đường cấp III-ĐB, mặt đường bê tông nhựa rộng 11m có 2 lớp BTN tổng chiều dày 12cm sẽ tiêu thụ 12,9 tấn nilon phế thải giúp giải quyết lượng rác thải đáng kể mà còn tiết kiệm được chi phí khi không phải sử dụng phụ gia tương ứng gần 800 triệu đồng.

Hàng năm Việt Nam xây dựng mới, cải tạo hàng nghìn km đường mà được sử dụng phụ gia nylon phế thải thì giá trị đem lại không hề nhỏ. Nhóm nghiên cứu mong muốn thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sản xuất phụ gia từ rác thải nhựa từng bước thay thế phụ gia nhập ngoại, giảm giá thành chi phí xây dựng đường, sử dụng rác thải nhựa làm giảm ô nhiễm môi trường.

P.S
.
.
.