Vận tải trong bến phải đáp ứng xu thế chở khách từ nhà đến nhà
Tại các tuyến đường như Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình, do các DN vận tải sử dụng loại xe 16 chỗ để chở khách liên tỉnh đi Vũng Tàu nên tại đây đã được cắm biển báo cấm đối với xe 16 chỗ. Ở khu vực đường Lê Hồng Phong, Phạm Ngũ Lão, một loạt biển báo cấm đối với xe trên 25 hoặc 30 chỗ cũng đã được cắm.
Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Lê Hồng Việt khẳng định, cắm biển báo cấm như vậy có nghĩa vẫn đang tạo điều kiện cho DN vận tải được dùng xe 7 chỗ, 9 chỗ hoặc 16 chỗ chạy vào trụ sở để trung chuyển khách ra bến. Đây là việc làm tạo thuận lợi cho khách đi xe và đáp ứng nhu cầu vận chuyển từ nhà đến nhà của người dân hiện nay.
Tuy vậy, nhiều DN vận tải, nhà xe không chịu chấp hành, vẫn ngang nhiên đưa xe loại lớn vào gần khu vực có biển cấm để lên, xuống khách hoặc tổ chức lên xuống khách tại những địa điểm tập kết, bãi đậu xe tự phát ngoài các bến xe.
Vì vậy, để ngăn chặn triệt để xe hợp đồng chạy vào trung tâm thành phố, ông Việt đề nghị thành phố cần xem xét việc lập hành lang cấm xe khách có sức chở lớn vào khu vực nội thành; nhất là ở những khu vực thường xảy ra ùn tắc giao thông, trừ xe có biển hiệu du lịch.
Các bến xe chính thống hiện đã khá văn minh, lịch sự, an toàn. |
Suốt thời gian qua, xung quanh các bến xe lớn như: Bến xe Miền Đông (BXMĐ), bến xe Miền Tây, bến xe An Sương, khu du lịch Suối Tiên, các trạm xăng dầu dọc một số tuyến quốc lộ, rồi địa điểm gần hầm Thủ Thiêm trên đường Võ Văn Kiệt ở quận 2 và các trạm dừng chờ xe buýt… các loại xe khách liên tỉnh ngoài bến vẫn hoạt động hết sức bát nháo.
Do đó, để đáp tạo thuận lợi cho khách đi xe, tháng 11 - 2016 vừa qua Sở GTVT thành phố đã bố trí 9 điểm đón, trả khách trên đường và hiện đã có 6 điểm được bàn giao cho BXMĐ. Dù vậy các điểm này chủ yếu phục vụ nhà xe vào trả khách để khỏi bị xử phạt chứ có rất ít khách ra đứng chờ đi xe liên tỉnh.
Một vấn đề vướng khác hiện nay là Sở GTVT đã yêu cầu cuối năm nay BXMĐ hiện hữu sẽ phải di dời ra khu vực bến xe mới ở Suối Tiên, quận 9. Nhưng đến thời điểm này hướng kết nối từ BXMĐ mới vào tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vẫn chưa được xác định.
Do đó xe khách từ BXMĐ mới muốn chạy vào đường cao tốc này sẽ phải xuôi xuống ngã 3 Vũng Tàu, chạy theo quốc lộ 51 đi Long Thành, Đồng Nai mới có thể rẽ vào cao tốc. Bằng không nhà xe phải chạy ngược từ quận 9 về ngã 3 Cát Lái, rẽ vào đại lộ Võ Văn Kiệt để vòng vào đường dẫn lên cao tốc.
Tuy nhiên cả 2 hành trình này đều làm gia tăng áp lực mật độ phương tiện lên tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 51 và 52 cũng như đẩy chi phí vận chuyển, thời gian hành trình tăng lên cho cả nhà xe, DN vận tải lẫn hành khách. Chỉ có hướng kết nối ngắn nhất từ BXMĐ mới vào cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường Nguyễn Hữu Nam ở quận 9, thì đường lại quá hẹp, hiện chưa được mở rộng.
Để thu hút khách vào bến đi xe, Giám đốc BXMĐ Nguyễn Ngọc Thừa cho biết, từ giữa năm 2016, BXMĐ đã đề ra phương châm “Gắn kết thành công - Đồng lòng phục vụ”, mọi hoạt động của cán bộ, nhân viên đều phải gắn với hướng dẫn tận tình, giải quyết nhanh chóng. Nhưng việc tập trung nâng cao chất lượng phục vụ tại bến xe cũng như chất lượng phục vụ của DN vận tải, nhà xe trong bến và phải làm đồng bộ ở tất cả các bến xe mới có thể gây hiệu ứng với hành khách trên diện rộng.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố vào cuối tháng 12-2016 vừa qua, Sở GTVT đã lập tổ liên ngành để kiểm tra, đánh giá lại thực trạng xe hợp đồng và các nhà xe không vào bến. Nội dung quan trọng trong đợt kiểm tra, rà soát này là ý kiến cụ thể của quận, huyện về xử lý như thế nào, cho tồn tại hay buộc phải dẹp đối với từng địa điểm có hoạt động đón, trả khách trên địa bàn.
Như vậy, trách nhiệm chính trong việc giám sát, quản lý hoạt động của các DN vận tải, nhà xe có địa điểm hoạt động đón, trả khách trong khu vực nội thành đã được xác định. Nhưng để triệt xóa các loại xe khách lách luật, xe vi phạm tự lập bến bãi hoành hành trong nội đô TP Hồ Chí Minh, giới vận tải khách chính thống cho rằng cần phải có hẳn một chiến dịch đồng bộ, mạnh tay của thành phố.
Ông Nguyễn Hoàng Huy (Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông): Nguyên nhân khách không muốn ra bến đi xe là do vị trí của bến xe không thuận tiện, hành lý nhiều, khách ngại đi xa và lo lắng tình trạng mất an toàn chỗ tập trung đông người… Trong khi đi xe open tour tiện nghi, lại được đưa đón tận nhà. Những DN vận tải, nhà xe, dù muốn đăng ký khai thác tuyến hoặc tăng số chuyến để vào bến hoạt động đàng hoàng cũng có thể sẽ không được Sở GTVT địa phương chấp thuận do số chuyến đã được quy hoạch trên tuyến thấp hơn nhu cầu đăng ký hoạt động khiến nhà xe đã khó có cửa vào bến. Nhiều DN đăng ký khai thác tuyến, tăng số chuyến nhưng bị Sở GTVT địa phương áp giờ xe chạy không phù hợp với điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp hoặc giờ xe chạy thấp điểm, không có khách nên DN vận tải chẳng dại gì đưa xe vào bến. PV |