Kiểm tra nồng độ cồn thời dịch COVID-19: Chú trọng an toàn, phòng ngừa lây nhiễm

Thứ Ba, 24/03/2020, 08:31
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân lo ngại việc kiểm tra nồng độ cồn có thể tiềm ẩn rủi ro lây nhiễm COVID-19, Cục CSGT đã có văn bản chỉ đạo CSGT Công an các tỉnh, thành phố tiếp tục đo nồng độ cồn nhưng quá trình kiểm tra phải tuân thủ các bước phòng, chống theo khuyến cáo của Bộ Y tế.


Tối Chủ nhật 22/3, chúng tôi theo Tổ tuần tra kiểm soát làm nhiệm vụ xử lý vi phạm TTATGT tại một chốt trên quốc lộ 1, thuộc địa bàn phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn (Bình Định). 

Đội tuần tra kiểm soát giao thông số 1 (Cục CSGT) kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế xe khách trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: CTV

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân lo ngại việc kiểm tra nồng độ cồn có thể tiềm ẩn rủi ro lây nhiễm COVID-19, Cục CSGT đã có văn bản chỉ đạo CSGT Công an các tỉnh, thành phố tiếp tục đo nồng độ cồn nhưng quá trình kiểm tra phải tuân thủ các bước phòng, chống theo khuyến cáo của Bộ Y tế. 

Vì vậy, khác với những đợt kiểm tra nồng độ cồn trước đây, tổ tuần tra chuẩn bị các bước phòng, chống lây nhiễm nhằm bảo đảm an toàn cho lực lượng thi hành công vụ và người tham gia giao thông. 

Thiếu tá Phạm Kim An, Phó trưởng trạm CSGT Tuy Phước, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định, cho biết, trước khi thực thi nhiệm vụ, chúng tôi luôn quán triệt CBCS phải tuân thủ các biện pháp bảo hộ cá nhân, xử lý phải tuân thủ các quy định an toàn cho lực lượng và người tham gia giao thông. 

Cụ thể, các thành viên kiểm tra phải đeo khẩu trang, trang bị găng tay và nước rửa tay sát khuẩn, dùng riêng ống thổi cho từng người và để cho người kiểm tra tự tay xé khi còn nguyên trong bọc, sát khuẩn thiết bị đo nồng độ cồn trước, trong và sau khi sử dụng.

Anh Lê Tuấn (trú phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn) khi đo xong nồng độ cồn đã vui vẻ giãi bày: “Vì công việc đặc thù của cơ quan nên tôi thường đi về muộn. Khi tham gia giao thông, tôi luôn chấp hành các hướng dẫn và ủng hộ CSGT đo nồng độ cồn để răn đe hành vi sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông. Bản thân được tự tay xé ống thổi còn nguyên trong bọc nhựa hàn kín đưa vào máy thổi cảm thấy rất an tâm, không lo bị lây nhiễm”. 

Còn anh Mai Quốc Việt, lái xe hãng taxi Lado khi đo nồng độ cồn xong cho biết: “Công ty thường xuyên quán triệt đã lái xe không được uống rượu, bia. Việc các anh tuân thủ các quy trình khi đo nồng độ cồn đã tạo cảm giác an tâm cho lái xe chúng tôi”.

CSGT sát khuẩn thiết bị đo nồng độ cồn trước, trong và sau khi sử dụng.

Trong quá trình đo nồng độ cồn, xong đợt 10 phút là tổ trưởng tuần tra Phạm Kim An yêu cầu cán bộ tạm dừng để sát khuẩn phương tiện đo nồng độ cồn, thay bao tay rồi tiếp tục làm nhiệm vụ. Tất cả ống thổi, khẩu trang và găng tay đều được thu gom tại chỗ để xử lý theo quy định.

Cứ thế, trong suốt thời gian kiểm tra những người thực thi nhiệm vụ đã luôn thận trọng trong từng công đoạn, tạo tâm lý thoải mái, an tâm cho người điều khiển phương tiện. Ai chưa hiểu, chưa an tâm thì cán bộ làm nhiệm vụ giải thích rõ ràng, cụ thể theo quy định để họ tự giác chấp hành nên không có trường hợp nào phản ứng. 

Thiếu tá Phạm Kim An cho biết thêm, NĐ100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông và Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã góp phần đáng kể phòng ngừa, kéo giảm TNGT. 

“Trong điều kiện cao điểm của dịch COVID-19, lực lượng CSGT vẫn sẽ tiếp tục thực hiện đo nồng độ cồn hàng đêm nhưng phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế để phòng ngừa lây lan dịch bệnh cho người dân và CBCS thực thi nhiệm vụ”, Thiếu tá An nhấn mạnh.

Tấn Tài
.
.
.