Mất bằng lái xe phải thi lại:

Không nên đi ngược chủ trương rút ngắn thủ tục hành chính

Thứ Sáu, 08/03/2019, 08:25
Dư luận đã có phản ứng không đồng tình trước đề xuất về việc bắt buộc thi lại đối với những trường hợp mất Giấy phép lái xe của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có đề xuất về việc bắt buộc thi lại đối với những trường hợp mất Giấy phép lái xe (GPLX) tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, dư luận đã có phản ứng không đồng tình. Nhiều người cho rằng, Bộ trưởng không nên đẩy phần khó sang người dân và đề xuất này đi ngược lại chủ trương rút ngắn các thủ tục hành chính.

Ngày 7-3, trên các diễn đàn liên quan đến giao thông, nhiều người cho rằng, đến những thứ quan trọng hơn như bằng tốt nghiệp đại học, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... khi mất, khi hỏng đều có thủ tục cấp đổi, cấp lại. 

Vậy thì, căn cứ vào cơ sở nào để ban hành quy định riêng bằng lái xe mất thì phải thi lại? Thực tế, bằng lái xe là thứ phải thường xuyên mang theo người bởi vậy việc hư hỏng, mất mát rất dễ xảy ra. Nếu mỗi lần bị mất, bị hỏng phải đi thi lại rất tốn kém, mất thời gian, tạo cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực xảy ra. 

Ở một khía cạnh khác, cần phải nói rõ, với các trường hợp gian dối, lách luật để có bằng lái xe thứ 2, thứ 3 nếu phát hiện được, ngoài tịch thu tất cả các bằng thì việc yêu cầu phải học lại, thi lại mới cho cấp bằng mới hoàn toàn phù hợp. Còn việc chỉ lấy trường hợp của một số người để đề xuất áp dụng chung cho tất cả mọi người sẽ không hợp lý chút nào.

Nhiều ý kiến cho rằng mất bằng lái xe phải thi lại là “đổ cái khó cho dân”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam) nêu quan điểm: “Quy định này là không nên”. 

Ông Quyền nói, trước đây đã có quy định, khi mất GPLX thì người mất phải chờ 1 tháng (kể từ ngày nộp đơn trình báo mất và xin cấp lại) để lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh xem mất thật hay do vi phạm bị lực lượng chức năng thu giữ bằng lái.Tuy nhiên, sau đó cải cách hành chính cho rằng, quy định này gây khó khăn cho người dân, nên đã bãi bỏ.

“Bây giờ, lại đưa ra đề xuất, các trường hợp mất bằng lái xe đều buộc phải thi lại để cấp bằng mới là làm khó cho những người không may bị mất. Việc này sẽ làm phát sinh thời gian và kinh phí”, ông Quyền bày tỏ. 

Để khắc phục tình trạng một số người báo mất giả để xin cấp lại GPLX do bị thu giữ, theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam, cần tăng cường phối hợp sự quản lý giữa các cơ quan Nhà nước, áp dụng công nghệ thông tin vào hỗ trợ, còn quy định như đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ làm khó người dân, không phù hợp với yêu cầu về cải cách hành chính. 

Theo ông Quyền, Chính phủ nên chỉ đạo lực lượng chức năng, nhất là lực lượng CSGT cập nhật đầy đủ, kịp thời các trường hợp bị thu giữ bằng lái về cơ sở dữ liệu GPLX đã được Tổng cục Đường bộ chuyển giao công nghệ trước đó. Các lực lượng chức năng phải cập nhật đầy đủ kịp thời, khi ngành giao thông tiếp nhận đơn trình báo mất GPLX để xin cấp lại của người dân thì bộ phận cấp GPLX sẽ có trách nhiệm tra cứu dữ liệu, nếu hợp lệ thì thực hiện cấp lại theo quy định. 

Ông Quyền nhấn mạnh: “Bất cập và lỏng lẻo nếu có thì ở sự phối hợp của các lực lượng chức năng. Do đó, phải chỉnh đốn lại khâu này chứ không thể vì thế mà đẩy phần khó về cho người dân”.

Trong khi đó, đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục đường bộ Việt Nam) cho rằng, theo Thông tư liên lịch 01 của Bộ Công an – Bộ GTVT phối hợp cung cấp số liệu vi phạm, CGST sẽ gửi các vi phạm của người lái xe sang bên Tổng cục Đường bộ cập nhật. Phần mềm quản lý GPLX của đường bộ có cả phần mềm quản lý vi phạm bằng lái. Tuy nhiên, hiện tại phía CSGT mới gửi dữ liệu các trường hợp bị tước bằng lái, mà chưa cập nhật các trường hợp tạm giữ có thời hạn. 

“Nhiều trường hợp tạm giữ GPLX do vi phạm có thời hạn 1-2 tuần nhưng nhiều lái xe không đến nộp phạt lấy lại bằng, mà giả mất bằng lái đến cơ quan đường bộ để xin lại. Thậm chí một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải lái xe giả mất bằng để xin cấp lại”, đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái cho biết. 

Bày tỏ quan điểm về đề xuất “mất bằng lái phải thi lại”, đại diện Vụ này cho rằng, Bộ trưởng Bộ GTVT mong muốn quản chặt, hạn chế đối tượng giả mất bằng hoặc bị tạm giữ bằng cố tình khai sai để xin cấp lại.  

Tuy vậy, đây mới là đề xuất, có thể Bộ sẽ giao cho các cơ quan tham mưu nghiên cứu các vấn đề về pháp chế, quy định. Ngành giao thông cũng đang xây dựng quy chế phối hợp để CSGT cập nhật luôn các vi phạm bằng phần mềm, liên thông thông tin hai ngành để thuận tiện quản lý.

Bộ GTVT đề nghị phối hợp cùng Cục CSGT trong việc đồng nhất dữ liệu lái xe bị thu giữ GPLX

Ngày 7-3, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã ký văn bản hoả tốc gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu đơn vị này khẩn trương đề xuất giải pháp siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX. 

Công văn nêu rõ: Theo kiến nghị của cử tri và đại biểu Quốc hội tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật , tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt với Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội và phản ánh của người dân liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; thực hiện ý kiến chỉ đạo cảu Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình-Chủ tịch Ủy ban  an toàn giao thông Quốc gia; Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nội dung. 

Cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX  trong cả nước. Tổ chức rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng GPLX, nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại GPLX, hoặc các trường hợp cố tình báo mất để xin cấp lại GPLX với mục đích sở hữu đồng thời nhiều GPLX. Đối với những trường hợp nghi ngờ như xin cấp lại GPLX nhiều lần, cần kịp thời kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. 

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu đơn vị này phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông để kết nối, cập nhật thông tin vi phạm của các lái xe vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn quốc, nhằm xác định nhanh và xử lý kịp thời đối với lái xe bị cơ quan chức năng thu giữ GPLX do vi phạm. 

Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm siết chặt công tác cấp lại GPLX đã mất theo đúng quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để xin cấp lại GPLX không đúng quy định. Đồng thời, đề xuất các giải pháp xử lý vi phạm đối với hành vi gian dối, cố tình báo mất để xin cấp lại GPLX, trong đó có giải pháp  sát hạch trước khi cấp lại GPLX.

Phạm Huyền

Bộ Giao thông vận tải thanh tra công tác đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại 13 tỉnh thành

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành quyết định thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) tại 13 địa phương. Theo quyết định của Bộ GTVT, đoàn thanh tra của Bộ GTVT do ông Trịnh Văn Tùng, Trưởng phòng Thanh tra 3 (Thanh tra Bộ GTVT) làm trưởng đoàn. Đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ tại các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang. Thời kỳ thanh tra bắt đầu từ ngày 1-1-2018 đến thời điểm thanh tra. Thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Nhật Uyên
.
.
.