Không di dời Trạm T2 nhưng sẽ xây tuyến tránh Long Xuyên

Thứ Hai, 29/01/2018, 18:40
Thông tin được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết tại buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ, Kiên Giang và An Giang vào ngày 29-1, những nội dung liên quan đến trạm thu giá dịch vụ đường bộ thuộc Dự án ĐTXD công trình cải tạo, nâng cấp QL91.

Ông Ngô Công Thức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang đã kiến nghị 2 phương án liên quan đến Trạm thu phí T2 (đặt tại quận Thốt Nốt) là cho di dời Trạm 2 hoặc làm tuyến tránh Long Xuyên để giảm áp lực cho Trạm T2.

Lãnh đạo Sở GTVT TP Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang đều kiến nghị Bộ GTVT miễn, giảm giá cho các phương tiện nhằm đảm bảo ANTT tại khu vực đặt trạm.

Ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Công ty Cổ Phần đầu tư QL91 Cần Thơ - An Giang cho biết, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Nhà đầu tư đã giảm giá đường bộ cho hơn 1.100 phương tiện từ ngày 1-9-2017.

Các tài xế cho phương tiện đồng loạt án ngữ tại làn thu phí Trạm T2, gây ùn tắc trên quốc lộ 91. 

Tại Trạm T1 giảm 108 xe thuộc phường Phước Thới và châu Văn Liêm và 46 xe buýt. Trạm T2, hơn 1.000 xe thuộc TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang. Sắp tới, Nhà đầu tư sẽ tiếp tục giảm theo đề xuất của các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ cho tổng số hơn 2.000 phương tiện.

Nhà đầu tư cũng khẳng định không thể tiếp tục giảm hơn nữa vì sẽ xảy ra nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là có khả năng sẽ dẫn đến kéo dài thời gian thu phí, phá vỡ phương án tài chính sẽ bị phá vỡ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Bộ GTVT đang cho tiến hành đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến tránh Long Xuyên. Khi tuyến tránh này hình thành, Trạm T2 sẽ không còn tác dụng. Bộ GTVT thống nhất với phương án giảm quá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Cụ thể, tại Trạm T2, thống nhất giảm gía cho 100% xe buýt, xe của người dân có hộ khẩu thường trú và có trụ sở đặt tại phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt), xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), phường Mỹ Thạnh (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang). Xe khách vận chuyển hành khách công cộng chạy tuyến cố định sử dụng quãng đường BOT theo hướng từ Kiên Giang (QL80) về tỉnh An Giang (QL 91) và ngược lại.

Nhà đầu tư cũng đề xuất sẽ giảm 50 % giá vé hiện hành cho xe không thuộc đối tượng theo đề nghị của tỉnh An Giang. Đối với Trạm T1, thống nhất giảm 100% cho 10 xe đã được Bộ GTVT chấp thuận tại văn bản trước đó và 100% cho xe buýt.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật yêu cầu Tổng Cục đường Bộ Việt Nam, Nhà Đầu Tư, Sở GTVT TP Cần Thơ các địa phương rà soát, chốt lại danh sách các phương tiện nằm trong đối tượng miễn giảm trên tinh thần 100% miễn cho các phương tiện nằm trong bán kính 3km, 50% cho các phương tiện thuộc bán kính 5km%.

Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng làm việc với Nhà đầu tư, lãnh đạo TP Cần Thơ và Hậu Giang liên quan đến dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp theo hình thức BOT.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ đề xuất miễn từ 80-90% cho phương tiện không kinh doanh ôtô con dưới 9 chỗ và ôtô tải nhỏ hơn 1 tấn hiện đang cư trú tại phường Ba Láng, phường Lê Bình, phường Thường Thạnh (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Cụ thể, đề xuất giảm 50% cho 548 phương tiện và 100% cho 475 phương tiện.

Đối với xã Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), giảm 50% cho xe ô tô từ 10 chỗ và xe tải trên 1 tấn có kinh doanh, giảm 50 % đối với các tổ chức cá nhân danh nghiệp có hợp đồng vận chuyển (trên 3 tháng) có sử dụng quãng đường 3km tính từ vị trí đặt trạm.

BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp bị tài xế phản ứng vì cho rằng mức thu phí cao, gây ùn ứ giao thông nghiêm trọng. 

Ông Lê Văn Năm, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang đề nghị giữ nguyên 371 phương tiện nằm trong phương án giảm 35-40 % trước đó và kiến nghị giảm thêm cho xã Tân Phú Thạnh 262 phương tiện (giảm 100% nếu không được thì từ 80-90%), giảm 100% cho 282 xe chính chủ và dưới 1 tấn; 339 phương tiện thực hiện phương án giảm 50%.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo, Tổng Cục đường bộ Việt Nam chủ trì phối hợp cùng Vụ đối tác Công tư cùng địa phương, tiến hành khảo sát, xem xét các đề xuất của TP Cần Thơ và Hậu Giang.

Như Anh
.
.
.