Giao thông Hà Nội dịp nghỉ Tết Dương lịch:

Không để người dân lỡ xe vì tắc đường

Thứ Năm, 01/01/2015, 10:52
Để đảm bảo giao thông được thông suốt trong ngày cuối cùng của năm, cũng như trong cả kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch, sáng sớm 31/12/2014, Trưởng phòng CSGT Hà Nội Đào Vịnh Thắng đã trực tiếp đi thực tế tại nhiều tuyến đường trọng điểm để kiểm tra và điều tiết giao thông.

Hà Nội, ngày cuối cùng của năm 2014 trôi qua như vội vã hơn. 17h, nhiều tuyến đường cửa ngõ Thủ đô đã rơi vào cảnh ùn ứ, nhất là khu vực quanh các bến xe Hà Nội. Dù lực lượng CSGT đã tăng cường 100% quân số trực ngày này, nhưng dường như, dòng người quá lớn khiến CSGT cứ phải căng mình trực tiếp điều tiết giao thông, chứ không còn để ý đến hệ thống đèn xanh, đèn đỏ nữa. Tại các bến xe, dù chưa phải dùng đến phương án tăng cường nhưng xe nào xuất bến cũng trong tình trạng đông khách.

Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông được thông suốt trong ngày cuối cùng của năm, cũng như trong cả kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch, từ chiều 30/12/2014, sáng sớm 31/12/2014, Trưởng phòng CSGT Hà Nội Đào Vịnh Thắng đã trực tiếp đi thực tế tại nhiều tuyến đường trọng điểm để kiểm tra và điều tiết giao thông.

Đi cùng đoàn, phóng viên nhận thấy, càng vào những ngày cuối năm, giao thông thành phố càng trở nên phức tạp. Trên những tuyến phố trọng điểm như Nguyễn Lương Bằng-Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Phạm Hùng... lưu lượng giao thông tăng đột biến.

Ở các tuyến đường vành đai, dù nhiều cầu vượt đã được xây dựng, đưa vào phục vụ, song không vì thế mà sức “nóng” của giao thông giảm nhiệt. Tuyến đường Láng, Trường Chinh, kéo dài về cầu Vĩnh Tuy, dòng phương tiện lúc nào cũng kẹt cứng, nhích từng vòng bánh xe.

Tại các tuyến đường dẫn lên đường cao tốc trên cao, dù lực lượng CSGT luôn túc trực, có sự tăng cường của Công an phường sở tại, nhưng cán bộ, chiến sỹ vẫn phải cảnh giác cao độ, bởi chỉ cần một sự cố nhỏ, ùn tắc cục bộ và dây chuyền sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Tại tuyến đường Phạm Văn Đồng, đoạn cắt Hoàng Quốc Việt, đại lộ Thăng Long dễ xảy ra ùn tắc. Đại tá Đào Vịnh Thắng đã đưa ra phương án cấm xe tải đi qua tuyến đường “nóng” vào giờ cao điểm.
Cảnh sát giao thông Đội 15 hướng dẫn phân luồng tại ngã tư Nam Hồng, cửa ngõ phía Bắc Hà Nội.

“Có đi thực tế mới biết mà chấn chỉnh, để đường phố thật sự thông thoáng, để không vị khách nào bị lỡ tàu xe vì ùn tắc giao thông”, vị Trưởng phòng chia sẻ. Với quyết tâm đó, từ trưa 31/12/2014, nhiều phương án đảm bảo trật tự ATGT ngày cuối năm đã được Phòng CSGT thực hiện, đặc biệt tại các cửa ngõ trọng điểm. Các điểm “nóng” như khu vực bến xe, nhà ga, lực lượng CSGT cũng được tăng cường nhiều hơn.

Trung tá Nguyễn Hồng Thái, Đội trưởng Đội CSGT số 14 cho hay, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng CSGT đường bộ-đường sắt, đơn vị tăng cường lực lượng ứng trực, tham gia tuần tra kiểm soát, đảm bảo ATGT trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý, đặc biệt là dọc trên tuyến Giải Phóng-Pháp Vân, Cầu Giẽ.

Ngoài những phương tiện cá nhân, hoạt động vận tải bằng xe taxi, xe ôm..., đặc biệt là xe khách cũng sẽ được siết chặt, đảm bảo không xảy ra tình trạng lái xe vòng vo, dừng đỗ đón trả khách sai quy định. “Nếu phát hiện trường hợp nào nhồi nhét khách, thu quá giá theo quy định, CSGT kiên quyết xử lý nghiêm. Tái phạm nhiều lần, đơn vị sẽ kiến nghị Ban quản lý bến xe cắt lốt...”-Trung tá Thái kiên quyết.

Nhiều doanh nghiệp xe khách giữ nguyên giá vé

Phải nói rằng, để chuẩn bị cho công tác phục vụ người dân đi lại kỳ nghỉ lễ Dương lịch, các bến xe trên địa bàn Hà Nội cũng lên kế hoạch từ rất sớm. Cụ thể, tại bến Giáp Bát, hằng ngày có 950 xe chạy, nay tăng thêm 100 xe cho các tuyến ngắn Hà Nội đi Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… Lãnh đạo bến xe cho hay, hiện tại, chưa thấy có doanh nghiệp nào xin tăng giá vé dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch.

“Từ tháng 11/2014 đến nay, có 20 đơn vị tại bến giảm giá vé từ 6-16%” - ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Bến xe nói. Đặt câu hỏi đến việc nhà xe tự ý nâng giá, chèn ép khách trong những ngày cao điểm đi lại này, vị lãnh đạo Bến xe Giáp Bát khẳng định, nếu khách vào bến mua vé thì sẽ không lo việc nhà xe “chặt chém”, bởi vì giá được niêm yết sẵn trên vé.

“Phía bến xe đã yêu cầu các đơn vị vận tải phải thực hiện nghiêm việc kiểm tra vé của hành khách trước khi lên xe. Nếu hành khách lên xe mà chưa mua vé thì sẽ phải quay lại quầy mua vé. Mặt khác, chúng tôi cũng yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải ký cam kết bán đúng giá vé niêm yết, không để xảy ra các hiện tượng khách lên xe không có vé, lái phụ tranh giành khách, ép khách, lấy tiền cao hơn giá vé quy định,” ông Thành đưa ra các biện pháp “siết” chặt đơn vị vận tải.

Theo khảo sát của phóng viên chiều 31/12/2014, tại các bến xe, hầu như giá vé xe khách được giữ nguyên so với ngày thường.

Thanh Huyền
.
.
.