Không còn dễ dãi ‘phạt cho đi’ đối với xe quá tải trọng

Thứ Tư, 24/12/2014, 16:27
Liên quan đến vấn đề xử phạt xe quá tải trọng, Thứ trưởng Lê Quý Vương chia sẻ: Tới đây, Bộ GTVT và Bộ Công an sẽ hướng dẫn cụ thể hơn để địa phương dễ thực hiện. “Sẽ minh bạch vi phạm thế nào thì phạt cho đi, vi phạm nào thì buộc về nơi xuất phát hạ tải, thế nào thì tạm đình chỉ, tạm giữ phương tiện…”.

Ngày 24/12, Bộ Công an và Bộ GTVT đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết kế hoạch số 12593 liên bộ giao thông vận tải và bộ Công an về kiểm soát tải trọng xe.

Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT và Thượng tướng Lê Quý Vương  Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì hội nghị. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo một số các cục vụ trực thuộc hai bộ và các tỉnh thành trên cả nước.

Báo cáo tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, tính từ 16/12/2013 đến 15/12/2014, các trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động đã dừng, kiểm tra 416.068 xe ô tô, phát hiện và lập biên bản 64.885 trường hợp vi phạm; xử phạt nộp kho bạc nhà nước 331 tỷ đồng, tạm giữ 1.885 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 42.066 trường hợp, đã xử lý hạ tải đối với 32.219 phương tiện vi phạm với 124.628 tấn hàng.

Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT và Thượng tướng Lê Quý Vương  Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì hội nghị.  

Ngoài ra, thông qua tuần tra kiểm soát giao thông, lực lượng Công an cũng đã xử lý 3.396.240 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ (chở hàng quá tải); tước quyền sử dụng GPLX 291.439 trường hợp; tạm giữ 442.108 phương tiện các loại.

Nhìn từ kết quả nói trên, hầu hết các đại biểu tham dự Hội nghị đều có chung nhận định, một năm qua, nhờ sự phối hợp liên ngành Công an và giao thông, cùng với sự chỉ đạo gắt gao của các cấp chính quyền, mà tình trạng xe chở quá tải tại nhiều địa phương đã giảm mạnh.

Đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh cũng đưa ra nhận định, vấn nạn chở quá tải đã và đang bị đẩy lùi, không còn có hiện tượng các đoàn xe quá tải ngang nhiên trên các quốc lộ.

Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị: Cần tạo cơ chế chính sách để tích tụ vận tải, áp dụng KHKT. Cần tổ chức sàn giao dịch vận tải  hàng hóa để giá cước minh bạch. Nhà nước có chế tài xử lý liên quan đến chủ hàng, nơi xếp dỡ cố tình chở quá tải. “Cần nâng cao mức phạt hơn nữa với chủ vận tải, chứ 6,7 triệu đồng/lần thì chưa ăn thua…”, vị đại diện nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị. Thượng tướng Lê Quý Vương thẳng thắn chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đáng mừng, còn không tí khó khăn và vướng mắc. Đó là vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, chủ hàng, chủ xe, ý thức chấp hành luật GTVT chưa nghiêm, còn đối phó, dừng xe gây cản trở giao thông, thậm chí chống đối lực lượng xử phạt. Có nơi, có lúc còn móc nối với người thi hành công vụ để xe quá tải vượt trạm.

Trong thời gian ban đầu, một số đơn vị địa phương chưa mạnh mẽ trong việc thực hiện, công tác chuẩn bị chưa tốt, bố trí điểm đặt cân, bãi hạ tải dẫn đến cân trọng tải thiếu chính xác, hay ùn tắc. Đây có phần trách nhiệm của hai Bộ GTVT và Công an.

Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh: “Trong vấn đề ATGT, yếu tố con người là số 1, trong đó có những người tham gia giao thông, người thi hành nhiệm vụ và người lãnh đạo. Do đó, chúng ta phải chú trọng công tác tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức, để chủ xe, chủ hàng, chủ doanh nghiệp nắm được các quy định. Tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về kiểm soát tải trọng xe”.

Liên quan đến vấn đề xử phạt, Thứ trưởng Lê Quý Vương chia sẻ: Tới đây, Bộ GTVT và Bộ Công an sẽ hướng dẫn cụ thể hơn để địa phương dễ thực hiện. “Sẽ minh bạch vi phạm thế nào thì phạt cho đi, vi phạm nào thì buộc về nơi xuất phát hạ tải, thế nào thì tạm đình chỉ, tạm giữ phương tiện…”.

Đặng Nhật
.
.
.