Bộ Giao thông vận tải khẳng định:

Không có chuyện phí chồng phí trên hệ thống trạm thu phí quốc lộ

Thứ Sáu, 22/05/2015, 13:01
Xã hội hóa hạ tầng giao thông là cần thiết, để phát triển kinh tế, xã hội, nhưng cùng với đó là phí đường bộ đang bủa vây doanh nghiệp và lái xe. Trạm thu phí BOT mọc lên như nấm, trong khi đó hàng tháng người dân, doanh nghiệp vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ. Trước vấn đề này, nhiều người cho rằng, việc nặng gánh phí đường bộ theo hạ tầng giao thông đang đặt lên người dân. Liệu có hay không tình trạng phí chồng phí?

Để làm rõ vấn đề này, ngày 20/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chính thức có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Văn bản nêu rõ: Hình thức đầu tư BOT hiện là hình thức đầu tư phổ biến trên thế giới vì ngoài việc khắc phục sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư công thì đây là hình thức đầu tư có sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên (nhà đầu tư, cơ quan nhà nước, ngân hàng và người sử dụng), không làm tăng nợ công trong điều kiện nợ công đang ở mức cao như hiện nay, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân thông qua các tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng. Đây cũng là giải pháp góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải, nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành vận tải, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Văn bản cũng khẳng định: Các tuyến đường được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đã mang lại nhiều lợi ích do rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách; tiết kiệm nhiên liệu; giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện; lợi ích mang lại cho người sử dụng lớn hơn so với mức phí người sử dụng phải đóng (ví dụ, đối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại, giảm khoảng 30% chi phí; Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại, giảm khoảng 20% chi phí; đối với Quốc lộ 14 (đoạn từ Pleiku - Cầu 110) tỉnh Gia Lai, lợi ích mang lại khoảng 244 tỷ đồng/năm, trong khi doanh thu từ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 167 tỷ đồng/năm; đối với Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông, lợi ích mang lại khoảng 104 tỷ đồng/năm, trong khi doanh thu từ thu phí sử dụng đường bộ khoảng 79 tỷ đồng/năm...).

Trong đó, chưa kể đến các lợi ích mang lại không định lượng được bằng tiền như giảm thiểu tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, rút ngắn thời gian đi lại (ví dụ, dự án cầu Cổ Chiên giúp rút ngắn 70 km từ Trà Vinh đi Thành phố Hồ Chí Minh)...

Người đứng đầu Bộ GTVT cũng cho hay,  việc thu phí sử dụng đường bộ được thực hiện theo hai phương thức: thu theo đầu phương tiện do đơn vị Đăng kiểm thực hiện và thu trực tiếp tại các trạm BOT do các nhà đầu tư BOT thực hiện.

Và quy định như trên là phù hợp và không có việc phí chồng phí vì phí sử dụng đường bộ thu trực tiếp tại các trạm BOT do nhà đầu tư dự án BOT thu dùng để hoàn vốn đầu tư và chi cho công tác quản lý bảo trì đường bộ hình thành từ các dự án BOT; phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện do đơn vị Đăng kiểm thu dùng để chi cho công tác quản lý, bảo trì đường quốc lộ và đường địa phương do Nhà nước đầu tư (không bao gồm các dự án BOT đường bộ và không dùng để hoàn vốn đầu tư).

Thực tế hiện nay, Bộ Tài chính vẫn phải cấp bù từ ngân sách hằng năm cho công tác duy tu, bảo trì các tuyến đường quốc lộ do nguồn thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện không đáp ứng đủ yêu cầu. Được biết, hiện nay, trên các tuyến quốc lộ có 96 trạm thu phí đang thu phí và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng (đã ký hợp đồng BOT), cụ thể, có 45 trạm thu phí đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT;  Có 51 trạm thu phí chưa thu, đã thống nhất ký hợp đồng BOT và sẽ thu phí cho các dự án BOT sau khi hoàn thành (khoảng từ nay đến năm 2018).

Trong số 96 trạm, có 83 trạm do Bộ Giao thông vận tải ký hợp đồng với các Nhà đầu tư BOT, 13 trạm do UBND các tỉnh ký hợp đồng với các Nhà đầu tư BOT. Việc thành lập các trạm thu phí để thu phí đối với các dự án BOT nêu trên đã tuân thủ đúng quy định của Bộ Tài chính, có sự đồng thuận của địa phương liên quan.

Phạm Huyền
.
.
.