“Khơi thông” một dòng sông tiềm năng

Thứ Tư, 13/12/2017, 10:15
Đó là sông Văn Úc, nằm giáp ranh giữa các huyện Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng (Hải Phòng) và tỉnh Hải Dương. Không chỉ là huyết mạch giao thông, sông Văn Úc còn có thể phát triển kinh tế vận tải thủy, logictic, cảng trung chuyển đường biển, đường sông, và rất có giá trị xây dựng các nhà máy sản xuất công nghiệp nặng cần đến vận tải đường thủy...


Phải vì lợi ích lâu dài

Sông Văn Úc đoạn từ cầu Khuể ra đến cửa sông dài 32km, chiều rộng lớn nhất đạt 1,3km và độ sâu đạt 21m, đã được Bộ GTVT nâng cấp thành cấp sông đặc biệt. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đi qua thành phố Hải Phòng, trong đó có một cây cầu bắc qua sông Văn Úc. 

Theo dự thảo của đơn vị tư vấn thiết kế thì cây cầu vượt sông Văn Úc có chiều cao 32,6m đã được HĐND TP Hải Phòng thông qua. Tuy nhiên sau đó UBND TP Hải Phòng lại ra Quyết định số 2423/QĐ-UBND ngày 20-10-2016, với chiều cao bị hạ thấp còn 25m. 

Quyết định này đã khiến một số DN đóng tàu hoạt động 2 bên bờ sông Văn Úc hàng chục năm nay không khỏi lo lắng trước nguy cơ phá sản. Bởi với chiều cao 25m, chỉ có thể cho tàu đến 3 nghìn tấn đi qua, trong khi các nhà máy này đều đã đóng tàu hàng vạn tấn. Đáng chú ý Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương còn được cấp phép đóng tàu trọng tải đến 56 nghìn tấn.

Nhà máy đóng tàu Thái Bình Dương đang triển khai xây dựng ụ cạn đóng tàu 56 nghìn tấn.

Ông Lê Đoàn Tám, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đóng tàu Thái Bình Dương chia sẻ, thực tế nhà máy đã đóng mới và ra vào luồng sông Văn Úc các tàu có trọng lớn hơn gấp nhiều lần tàu 3 nghìn tấn. Từ năm 2011, nhà máy đã xuất xưởng tàu Đại Dương Queen có trọng tải 10.068 tấn. Tiếp đến 2015, xuất xưởng tàu Việt Thuận 169 có trọng tải 16.800 tấn, rồi tàu Đông Bắc 03 có trọng tải 22 nghìn tấn. Các tàu trên đều có chiều cao đến 38,2m và độ sâu mớn nước lúc ra cửa luồng sông Văn Úc là 4,8 – 5m. Mới đây nhất, nhà máy vừa bàn giao tàu Hải Nam 88 có trọng tải 20.100 tấn...

Cũng theo ông Tám, toàn bộ quy trình đầu tư và hoạt động của nhà máy đều được sự đồng ý của cơ quan chức năng. Cụ thể, từ tháng 6-2008, UBND TP Hải Phòng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó mục tiêu và quy mô của dự án đóng mới và sửa chữa tàu biển có trọng tải 15 nghìn tấn. 

Tiếp đến tháng 10-2010, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận năng lực đóng mới tàu biển có trọng tải đến 16 nghìn tấn. Đến tháng 3-2015, sau khi được Viện Quy hoạch Hải Phòng phê duyệt nâng cấp cho nhà máy được đóng tàu đến 56 nghìn tấn, Sở Xây dựng Hải Phòng đã cấp giấy phép xây dựng cho nhà máy. Mới đây, vào tháng 8-2017, Cục đăng kiểm VN tiếp tục cấp giấy chứng nhận năng lực đóng mới tàu biển có trọng tải đến 25 nghìn tấn.

Đáng chú ý, tại Văn bản số 1512/UBND-XD của UBND TP Hải Phòng gửi Bộ GTVT có đề nghị Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương có phương án đóng mới tàu biển ra ngoài phạm vi ảnh hưởng của tĩnh không cầu. Theo đó ông Tám khẳng định điều này là không thể, vì mỗi cột đèn đã nặng đến vài tấn, chưa kể mỗi tầng cabin nặng đến cả trăm tấn. Khi tàu rời khỏi nhà máy không có thiết bị để cẩu lắp ráp hoàn thiện.

Thực tế cho thấy, nếu chiều cao tĩnh không cầu vượt sông Văn Úc xuống 25m có thể giảm bớt một phần nhỏ xuất đầu tư, nhưng lợi ích lâu dài sẽ bị thiệt hại hơn nhiều lần. 

Trước mắt là các doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn các huyện An Lão, Kiến Thụy và Tiên Lãng (Hải Phòng) sẽ phải đóng cửa, cùng với đó là hàng loạt dự án đã cấp phép sẽ rút lui. 

Theo đó tại kỳ họp phiên cuối năm vừa qua, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Lê Văn Thành cũng đã có ý kiến, nếu vì lợi ích của doanh nghiệp cũng là lợi ích của thành phố lâu dài thì phải điều chỉnh. 

Dòng sông được... khơi thông

Sau khi có quyết định của UBND TP Hải Phòng với chiều cao tĩnh không của cầu vượt sông Văn Úc chỉ còn 25m, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng đã có công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND TP Hải Phòng. 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hoàng Văn Khánh cũng tỏ ra lo lắng cho rằng, nếu cầu vượt sông Văn Úc chỉ cao 25m, vô tình như một hàng rào ngăn cản sự phát triển một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Trước hoạt động của một số DN đóng tàu bị ảnh hưởng của cầu vượt sông Văn Úc, ngày 6-12 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến giao cho UBND TP Hải Phòng chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT và các cơ quan liên quan thỏa thuận thống nhất với các doanh nghiệp đóng tàu có liên quan về chiều cao tĩnh không của cây cầu này. 

Đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu và giao thông vận tải đường thủy trên địa bàn cũng như đảm bảo tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hài hòa các yếu tố về kinh tế - kỹ thuật của dự án với quá trình khai thác lâu dài tiềm năng của sông Văn Úc.

Đến ngày 11 – 12, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành đã cùng với ban ngành chức năng kiểm tra thực tế tại Dự án đường bộ ven biển. Sau khi nghe ý kiến các doanh nghiệp và báo cáo của Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương về thực trạng hoạt động và xu hướng phát triển. 

Các sở ban, ngành liên quan của TP Hải Phòng cũng báo cáo về Dự án cầu vượt sông Văn Úc, ông Lê Văn Thành kết luận sẽ nâng độ cao tĩnh không của cầu vượt sông Văn Úc từ 25m lên 32,6m. 

Theo đó Sở GTVT Hải Phòng sẽ thương thuyết với nhà đầu tư thời gian thu phí cho phù hợp. Bởi việc nâng tĩnh không cầu đồng nghĩa với việc chi phí đầu tư sẽ cao hơn mức dự toán ban đầu.

Việc đưa ra quyết định kịp thời, nhanh chóng của Bí thư Thành ủy Hải Phòng về việc thay đổi chiều cao thông thuyền dự án cầu vượt sông Văn Úc như thể đã “khơi thông” dòng sông đầy tiềm năng với sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân địa phương cũng như tạo sự phấn khởi cho nhiều DN.

Văn Huy
.
.
.