Khắc phục bất cập trong các dự án BOT, BT
Báo cáo tờ trình dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Việt Nam, mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu được thực hiện từ năm 1997.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, qua đó, huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia. Những dự án PPP (loại hợp đồng BOT, BT...) trong thời gian đầu triển khai đã góp phần tích cực hoàn thiện số lượng, chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải..., kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Mặc dù vậy, thực tiễn cho thấy việc triển khai các dự án PPP còn một số tồn tại, bất cập, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát. Đồng thời, còn nhiều bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí; người dân không có sự lựa chọn đối với các tuyến đường độc đạo, tuyến chỉ nâng cấp, cải tạo...
Các dự án BT thanh toán bằng quỹ đất cũng đã bộc lộ nhiều bất cập tương tự như các dự án BOT giao thông được nêu trên về công tác công bố dự án, chủ yếu áp dụng chỉ định thầu, bất cập trong công tác giám sát... Bên cạnh đó, công tác xác định giá trị quỹ đất để thanh toán còn nhiều hạn chế, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất thanh toán, gây bức xúc trong xã hội...
Sau khi phân tích các bất cập, tồn tại của các dự án PPP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm thể chế hóa các định hướng chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua phương thức đầu tư PPP nói riêng; xây dựng khung pháp lý riêng biệt, rõ ràng, khoa học cho việc thực hiện dự án PPP...
Khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đây là một dự án Luật khó, ở phạm vi rộng, quy mô lớn cần được tính toán, thẩm tra trên cơ sở rà soát kỹ lưỡng tất cả nội dung, có những điểm cần tính toán thêm, hoàn thiện lại dự án luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ, tổng kết sâu sắc hơn 20 năm thực hiện PPP. Đồng thời, làm rõ tên gọi, sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh của luật, đối tượng, hình thức áp dụng, quy mô đầu tư, phân loại đầu tư... Đặc biệt, tập trung làm rõ tính cụ thể, khả thi và sự thống nhất của Luật này đối với hệ thống pháp luật có liên quan.
Lưu ý việc phải đánh giá kỹ tác động của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu phải xác định đây là Luật hình thức hay Luật nội dung. Nếu là luật quy định nội dung phải đảm bảo thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật; bởi lẽ nhiều nội dung của dự thảo luật này sẽ đụng chạm đến rất nhiều luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường... Nếu đụng chạm quá nhiều, gây xáo trộn, gây ách tắc thực thi pháp luật cần xem xét lại.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, cần làm rõ tính khả thi của luật này với các luật khác, liệu có tạo ra sự xung đột pháp lý với các luật khác hay không?
Cùng với đó, cần làm rõ thẩm quyền quyết định các loại dự án, mức độ tham gia của nhà nước, vấn đề chia sẻ rủi ro như thế nào cho hợp lý để tránh tư tưởng ỷ lại, lợi dụng chính sách Nhà nước hoặc tạo ra gánh nặng cho Nhà nước, nhất là khi các dự án được triển khai trong thời gian dài.
Đồng thời, cần làm rõ chính sách cụ thể về sử dụng tài sản công, tài chính công, về sự đầu tư của nhà nước bằng nguồn lực ngân sách, bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng, nhất là về tài chính giữa công và tư...