Hành khách bị nhồi nhét, tăng giá vé trong dịp kết thúc kỳ nghỉ lễ

Thứ Hai, 04/05/2015, 08:33
Kỳ nghỉ lễ dài ngày kết thúc là lúc nhiều người đổ về Thủ đô để bắt đầu cho tuần làm việc mới. Lợi dụng tình trạng này, các nhà xe lại tái diễn tình trạng xe khách nhồi nhét, tăng giá vé, bắt chẹt khách… Do lượng người dồn về Thủ đô tăng đột biến nên một số tuyến phố cửa ngõ đã xảy ra tình trạng ùn ứ, như đường Giải Phóng, Phạm Văn Đồng...

Chiều ngày 3/5, nhiều hành khách đã bắt đầu trở lại Thủ đô. Lợi dụng nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao, không ít nhà xe đã chở quá số người quy định, nhồi nhét hành khách, tăng giá cước lên cao bất thường.

Tại các tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội, Vinh - Hà Nội giá cước hầu hết đều tăng so với ngày thường từ 20% đến 50%, nếu cung đường ngắn hơn giá cước có thể tăng đến 300%. Có mặt trên chiếc xe 46 chỗ mang biển kiểm soát 29B – 090.27 chạy tuyến Vinh-Hà Nội sáng nay, một phóng viên đã chứng kiến cảnh trên xe không một chỗ trống, hành khách nằm, ngồi kín lối ra vào (với khoảng 60 hành khách) và giá vé bị “đẩy” lên 250.000 đồng (cao hơn 60.000 đồng so với giá niêm yết).

Một hành khách bức xúc: "Chờ mãi bắt được xe. Xe thì nhiều, nhưng xe nào cũng đông quá, đa phần ngồi chật chội chen nhau. Nếu như ghế 4 người thì nhét 5. Tôi đi từ Thanh Hóa đến đường 10, Ninh Bình thì mọi lần chỉ hết 60.000 đồng thôi, hôm nay hết 200.000 đồng, tăng 300%".

Những chuyến xe buýt sau kỳ nghỉ lễ bao giờ cũng chật cứng người.

Bên cạnh đó, anh Đỗ Hùng đi từ Ninh Bình lên Hà Nội cũng chia sẻ: Do nhu cầu người dân tăng cao nên sáng 3/5, nhà anh ở huyện không thể bắt được xe đi thẳng, mà phải bắt xe buýt lên thành phố, sau đó mới có xe đi thẳng lên Hà Nội. Đã khó thì khó muôn phần, xe đông, nhồi nhét, giá lại cao. Vé bình thường có 70.000đ, nay phải trả tới 90.000đ.

Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho hay, trong 6 ngày nghỉ lễ riêng số điện thoại của ông đã nhận được hơn chục cuộc gọi phản ánh về tình trạng nhà xe nhồi nhét, bắt chẹt khách. Trong đó chủ yếu là xe chạy tuyến ngắn như Thanh Hóa, Nghệ An...

Ngay sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã cho người xác minh, và phát hiện 4 trường hợp là đúng với phản ánh. Ngay sau đó, bến xe đã từ chối phục vụ xe chạy tuyến Hà Nội-Thanh Hóa, trường hợp nặng nhất là bị đình tài 15 ngày hoạt động. Đối với các trường hợp khác khách phản ánh, chúng tôi đang tiếp tục xác minh, nếu đúng là nhà xe vi phạm thì tới đây sẽ kiên quyết từ chối phục vụ.

Do lượng người dồn về Thủ đô tăng đột biến nên gần trưa và cuối giờ chiều, một số tuyến phố cửa ngõ đã xảy ra tình trạng ùn ứ, như đường Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, tuyến đường Cầu Giẽ -Pháp Vân…

Để đảm bảo  cho người dân lưu thông, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự và trật tự phường đã được huy động tại các nút giao trọng điểm và quanh khu vực bến xe để phân luồng từ xa. Thế nhưng, tại bến chờ xe buýt ở bến xe Giáp Bát, lượng người tăng đột biến ở tất cả các chuyến. Hầu hết xe khi vừa tới nơi, hành khách trên xe chưa kịp xuống, số hành khách ở dưới đã chen chân lên.

Lãnh đạo bến xe Giáp Bát cho biết, ước tính lượng hành khách qua bến trong ngày 3/5 là 30.000 lượt. Để tránh tình trạng quá tải ở bến, trước đó Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có kế hoạch tăng cường 400 lượt xe buýt cho 3 bến, riêng bến xe Giáp Bát 150 lượt, tuy nhiên, lượng hành khách đổ về đông nên các tuyến đều chật kín khi vừa đỗ xuống bến. Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có kế hoạch tăng cường 400 lượt xe buýt cho 3 bến, riêng bến xe Giáp Bát 150 lượt, tuy nhiên, lượng hành khách đổ về đông nên các tuyến đều chật kín khi vừa đỗ xuống bến.

Trong khi đó, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cho biết, trong 6 ngày nghỉ, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 5 người, bị thương 3 người. Trong đó có 2 vụ nguyên nhân là đi sai làn đường, 1 vụ vi phạm tốc độ và 2 vụ không chú ý quan sát.

Cũng với thời gian trên, Phòng CSGT Hà Nội đã  kiểm tra, xử lý 3.990 trường hợp, phạt thành tiền trên 1 tỷ đồng, tạm giữ: 146 phương tiện và 1.295 bộ giấy tờ, tước GPLX 180 trường hợp.

Thanh Huyền
.
.
.