Hàng không 'khát' điểm đỗ máy bay

Thứ Tư, 23/12/2015, 07:57
Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của vận tải hàng không thì nhu cầu về sân đỗ tàu bay, hangar tàu bay cũng tăng nhanh chóng. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng “tranh nhau” từng vị trí đỗ.

Có lẽ chưa bao giờ nhu cầu về sân đỗ máy bay lại “nóng” như bây giờ khi các hãng hàng không nội địa đều “sốt xình xịch” lo vị trí đỗ tại các sân bay căn cứ, những sân bay lớn trên cả nước. 

Liên tiếp đề nghị được bố trí thêm chỗ đỗ máy bay tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc CTCP Hàng không Vietjet cho biết: Hiện tại, cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất có 39 chỗ đỗ máy bay dành cho các hãng hàng không Việt Nam. Trong số này, Vietjet chỉ được bố trí 11 chỗ, còn lại 28 chỗ là cho 2 hãng còn lại.

“Trong khi Vietjet đang vận chuyển hơn 40% lượng khách nội địa thì tỷ lệ phân bổ chỗ đỗ máy bay cũng chưa tương xứng”, bà Thảo nói và kiến nghị được bố trí thêm ít nhất 5 chỗ đỗ máy bay tại một trong 2 sân bay lớn nhất cả nước này. 

Ngoài ra, Vietjet cũng đề nghị được bố trí thêm 5-6 vị trí đỗ tại đây khi dự án mở rộng sân đỗ Tân Sơn Nhất hoàn thành. Tại CHK quốc tế Đà Nẵng, Vietjet cũng đề nghị được bố trí 10 vị trí đỗ tàu bay, đồng thời giao thêm cho Vietjet khoảng 5.200m² để xây dựng hangar sửa chữa tàu bay. Theo thống kê của Vietjet, năm 2016, hãng này cần ít nhất 44 vị trí đỗ tàu bay, chia đều ra 3 CHK lớn là Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng.

Các hãng hàng không nội địa đều “sốt xình xịch” lo vị trí đỗ tại các sân bay.

Cũng liên quan đến sân đỗ máy bay, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Trọng cho biết, với quy mô đội tàu bay tăng trung bình 10-15 chiếc/năm và việc khai thác nhiều dòng tàu bay thế hệ mới, nhu cầu về bãi đỗ, các khu dịch vụ kỹ thuật và các hangar tàu bay cũng đòi hỏi phải được đầu tư, nâng cấp một cách tương xứng, đồng bộ. Năm 2015, Vietnam Airlines có 83 tàu bay. Đến năm 2020, con số này là 120 tàu bay.

“Riêng trong năm 2015, Vietnam Airlines tiếp nhận và đưa vào khai thác 8 tàu bay thế hệ mới, hiện đại thuộc 2 dòng Boeing 787/9 và Airbus A350-900”. Theo ông Trọng, việc đầu tư mở rộng bố trí chỗ đỗ máy bay tại các sân bay là việc làm cần phải có quy hoạch chuẩn bị lâu dài từ trước trên cơ sở tổng hợp kế hoạch phát triển đội tàu bay dài hạn của các hãng hàng không.

“Chỗ đỗ máy bay không thể mở rộng, tăng thêm tức thì để đáp ứng riêng nhu cầu đột biến của một hãng hàng không nào, cũng như không thể lấy chỗ đang đỗ máy bay hiện hữu của hãng hàng không này chuyển giao cho hãng hàng không khác”, ông Trọng nêu quan điểm.

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, nhu cầu về sân đỗ máy bay của các hãng hàng không là có thật. “Thực tế tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, các hãng đang cần khoảng trên 70 vị trí đỗ, trong khi đó hạ tầng hiện tại chỉ có thể đáp ứng 41 vị trí. Chính vì thế, cơ quan chức năng đã phải thuê thêm sân đỗ của quân sự, tận dụng bãi đỗ của hangar để khai thác, song song với việc đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng sân đỗ máy bay”.

Ông Thanh cho biết, trước mắt vẫn đang cố gắng đáp ứng nhu cầu khai thác, đảm bảo cho hãng hàng không bay đến, bay đi phải có chỗ đỗ. “Khó khăn lớn nhất hiện nay là sân đỗ qua đêm. Chuyện phải đáp ứng nhu cầu sân đỗ qua đêm là bài toán đặt ra hiện nay, bởi chúng ta không thể dừng kế hoạch phát triển, kế hoạch nhận tàu bay của các hãng hàng không trong nước. Đó là chưa kể đến việc nhu cầu sân đỗ khai thác cũng đang tăng trưởng nhanh chóng, tỷ lệ thuận với tỷ lệ tăng trưởng vận tải hàng không trong suốt thời gian qua”.

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định bổ sung Cam Ranh là sân bay căn cứ cho các hãng hàng không để đỡ gánh nặng về sân đỗ qua đêm, song ông Thanh cũng khẳng định, cả 4 sân bay căn cứ hiện nay (gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh đều phải tiếp tục mở rộng sân đỗ mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu. Tại Tân Sơn Nhất, 7,63ha thuộc dự án mở rộng sân đỗ hiện đang thi công, vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT đã đề nghị và cơ bản nhận được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng về việc tiếp tục giao khu vực 9ha phục vụ cho hàng không dân dụng. 

Ngoài ra, 9ha ở đầu Bắc cũng đã được giao cho Vietjet để xây hangar và có bãi đỗ ở đó. Ở phía Bắc, CHK quốc tế Nội Bài cũng đã có kế hoạch tăng sân đỗ. Mặc dù vậy, ông Thanh cũng thừa nhận nhiệm vụ của quản lý nhà nước là phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ GTVT đã và đang chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu, xây dựng, mở rộng thêm sân đỗ tại các sân bay lớn, là sân bay căn cứ của các hãng hàng không trên cả nước.                                    

Năm 2015, thị trường hàng không Việt Nam có sự tham gia của 52 hãng hàng không nước ngoài thuộc 24 quốc gia/vùng lãnh thổ và 4 hãng hàng không Việt Nam. Trên mạng đường bay quốc tế, 52 hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 95 đường bay quốc tế kết nối 6 cảng hàng không quốc tế của Việt Nam là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc và Vinh tới 28 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại thị trường nội địa, 4 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 48 đường bay kết nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với 18 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục-nan từ 3 trung tâm cũng như liên vùng giữa các cảng hàng không địa phương rộng khắp toàn quốc.

Đặng Nhật
.
.
.