Hàng không giảm cước vận chuyển hành khách nội địa

Thứ Tư, 17/12/2014, 09:26
Sau nhiều lần giá xăng dầu trong nước và thế giới đều giảm sâu, vận tải đường bộ cũng đang đà giảm giá, thì ngày 16/12, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã bắt đầu có văn bản đề nghị điều chỉnh giảm mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách nội địa hạng vé phổ thông. Đây có thể coi là động thái tích cực khi vào dịp cuối năm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, thời gian qua, giá nhiên liệu bay Jet A1 giảm mạnh, theo đó, mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cần được xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình biến động của giá xăng dầu. Liền sau đó, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải phương án điều chỉnh mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách nội địa hạng vé phổ thông.

Cụ thể, Cục Hàng không lý giải, mức giá tối đa khung giá cước quy định tại Quyết định số 2967/QĐ-BTC ngày 6/12/2011 của Bộ Tài chính về mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay còn vị thế độc quyền được tính theo phương án giá xăng Jet A1 ở mức 130 USD/thùng, thuế nhập khẩu là 0% và căn cứ trên đường bay trong khung cự ly có chi phí cao nhất. 

Thời điểm tháng 12/2014, giá xăng Jet A1 tại khu vực Châu Á khoảng 84,7 USD/thùng (Nguồn: IATA - Hiệp hội Hãng hàng không quốc tế), thuế nhập khẩu 7% (Thông tư 185/2014/TT-BTC ngày 5/12/2014 của Bộ Tài chính), tính cả thuế nhập khẩu giá xăng Jet A1 là 90,63 USD/thùng. So với mức giá nhiên liệu được tính toán trong phương án mức tối đa khung giá cước của Bộ Tài chính, giá nhiên liệu giảm 43,4%. Chi phí nhiên liệu thường chiếm khoảng 39,5% tổng chi phí của các hãng hàng không Việt Nam, nên tổng chi phí của hãng sẽ giảm khoảng 17%.

Trên thực tế, hiện các hãng hàng không đều đang kê khai mức giá thấp hơn giá trần Cục Hàng không Việt Nam quy định. Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh giảm mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách nội địa hạng vé phổ thông như sau: Mức hiện hành: 5.000đ/hành khách.km. Mức đề nghị là 4.250đ/hành khách.km.

Trước đề xuất của Cục Hàng không, thì các hãng hàng không sẽ giải quyết khâu giảm giá vé thế nào? Trao đổi với phóng viên sáng 16/12, đại diện Hãng hàng không Jetstar Pacific (JPA) cho hay, chi phí xăng dầu hiện chiếm 42% tổng chi phí của hãng. Vì thế, giá dầu giảm là tín hiệu tốt để giảm chi phí, góp phần cải thiện chênh lệch với doanh thu trong bối cảnh cạnh tranh và đặc thù của hàng không nội địa, tạo nhiều cơ hội giá rẻ cho hành khách.

Cơ cấu giá vé của JPA có 12 loại, được phân phối từ thấp đến cao, trong đó mức giá sát trần chỉ bán được dưới 1%. Năm 2014, mức giá vé bình quân của JPA đã giảm trung bình khoảng 10%, riêng những tháng cuối năm giảm tới 20% so với cùng kỳ năm 2013 do tác động giảm giá nhiên liệu. Đại diện hãng VietJet Air (VJA) cũng cho biết, việc giảm giá trần cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu giá vé.

Giá nhiên liệu giảm, hành khách sẽ có nhiều cơ hội bay với giá rẻ.

Trong thực tế, do cạnh tranh nên các hãng phải “nhìn nhau” và căn cứ vào sức mua để làm chính sách giá, chưa bao giờ sử dụng hết biên độ giá cho phép. Do đó, nếu điều chỉnh giá trần, cơ cấu giá cũng không biến đổi nhiều vì giá vé đã rất linh hoạt. Tại các hãng giá rẻ, khả năng bán được vé sát giá trần rất ít, như ở JPA chỉ chiếm khoảng 1%. Theo khảo sát của chúng tôi tại các website của cả 3 hãng VNA, VJA và JPA vào ngày 16/12, mức giá vé cao nhất chỉ còn 3,287 triệu đồng/lượt. Dù là ngày cao điểm nhất nhưng hành khách vẫn có cơ hội mua vé 2,753 triệu đồng/lượt nếu bay với JPA hoặc 2,786 triệu đồng/lượt nếu bay với VJA.

Theo quy định của Bộ Tài chính, hiện giá vé trần trên đường trục Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là 3,4 triệu đồng/lượt, nếu tính đủ thuế, phí là 3,87 triệu đồng. Trong khi đó, giá vé trần cao nhất mà VNA đang áp dụng là 3,067 triệu đồng/lượt và dịp Tết là 3,287 triệu đồng. Giá vé cao nhất JPA đang bán là 2,8 triệu đồng/lượt. VJA cũng đang bán vé thấp hơn từ 10%-20% so với giá trần, tùy đường bay.

Nhà ga mới T2 Nội Bài chuẩn bị đi vào hoạt động

Chiều 16/12, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) đã phát đi thông báo về kế hoạch chuyển đổi khai thác toàn bộ các chuyến bay quốc tế từ nhà ga hành khách T1 sang nhà ga mới T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Theo đó, từ 4h (giờ Hà Nội) ngày 31/12/2014, tất cả các chuyến bay quốc tế của VNA đi, đến sân bay quốc tế Nội Bài sẽ chính thức khai thác tại nhà ga mới T2. VNA cũng cho biết thêm, trước đó, ngày 25/12, Vietnam Airlines sẽ là hãng hàng không đầu tiên khai thác nhà ga mới T2 Nội Bài với chuyến bay VN661 khởi hành lúc 10h45 từ Hà Nội đi Singapore. Tiếp theo, trong giai đoạn từ ngày 26 – 30/12, Vietnam Airlines sẽ chuyển dần các chuyến bay quốc tế từ Hà Nội đi Singapore, Cao Hùng, Đài Bắc (Đài Loan) và Kuala Lumpur (Malaysia) sang khai thác tại nhà ga mới T2. Tương tự, thông tin từ Hãng hàng không VietJet Air cho biết, cũng từ ngày 25/12, hãng này sẽ bắt đầu chuyển một số chặng bay sang khai thác tại nhà ga T2. (T. Huyền)

Thanh Huyền
.
.
.