Hà Nội: Ùn tắc cục bộ sẽ diễn ra hết rằm tháng Giêng

Thứ Sáu, 03/02/2017, 08:22
Đó là nhận định của Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an Hà Nội) về giao thông của Thủ đô sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán.


PV: Đồng chí đánh giá thế nào về giao thông Hà Nội trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Có thể nói trong kỳ nghỉ Tết vừa qua, trên địa bàn Thủ đô, lưu lượng phương tiện tham gia trước và giáp Tết hết sức phức tạp. Đến ngày 30, mùng 1, mùng 2 Tết thì người tham gia giao thông đã được thông thoáng, bình yên hơn. Song điều đặc biệt, giao thông Tết năm nay khác so với mọi năm, là nhiều tuyến đường nội đô quanh các điểm đình chùa có hiện tượng ùn ứ cục bộ từ chiều mùng 2 Tết. Nguyên nhân do người dân đi lễ nhiều bằng ôtô cá nhân.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an Hà Nội).

Sang đến ngày mùng 3, ôtô từ nội thành ra khu vực cửa ngõ, cộng với các phương tiện từ các tỉnh bắt đầu trở về Hà Nội tăng nhanh chóng, nên giao thông bắt đầu trở lại gần như ngày thường. Sang đến mùng 4, mùng 5 thì giao thông thực sự phức tạp trở lại.

 PV: Cả hai vấn đề ùn tắc và tai nạn đều đang diễn biến phức tạp. Phòng CSGT Hà Nội sẽ ưu tiên tập trung vào giải quyết vấn đề gì trong lần ra quân này?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Trong 5 ngày Tết, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 780 trường hợp, tạm giữ 39 môtô, 3 xe máy điện, 166 bộ giấy tờ, tước GPLX 22 trường hợp. Trong đó, xe khách là 47 trường hợp, xe ôtô con là 27 trường hợp, taxi 5 trường hợp, môtô 693 trường hợp, xe tải 1 trường hợp, xích lô 2 trường hợp...

Lỗi vi phạm nhiều nhất là không đội mũ bảo hiểm 570 trường hợp; dừng đỗ sai quy định 49 trường hợp; vượt sai quy định 42 trường hợp; không giấy phép lái xe 16 trường hợp; chở hàng cồng kềnh 11 trường hợp; quá nồng độ cồn 5 trường hợp... 15 tổ công tác 141 cũng đã kiểm tra 394 trường hợp; tạm giữ 20 phương tiện và 50 bộ giấy tờ.

Cũng trong 5 ngày Tết, TNGT trên địa bàn Hà Nội xảy ra 8 vụ, làm 8 người chết, 5 người bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ bằng, song số người chết giảm 4, số người bị thương giảm 6. Tai nạn chủ yếu xảy ra tại ngoại thành. Nguyên nhân xảy ra tai nạn có tới 37,5% là do đi sai phần đường; 25% không chú ý quan sát... Mặc dù số vụ TNGT trong 5 ngày Tết vừa qua có giảm so với cùng kỳ năm ngoái thế nhưng, ùn tắc lại diễn ra sớm hơn, phức tạp hơn.

Do đó, bắt đầu từ ngày 1-2, chúng tôi sẽ chủ động triển khai 100% lực lượng phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã tập trung điều hành, hướng dẫn giao thông tại 361 nút giao thông và 25 chốt trọng điểm có nữ Cảnh sát chỉ huy điều khiển giao thông tại 15 tuyến quốc lộ, trục chính ra vào thành phố phục vụ nhân dân trở về Hà Nội công tác, học tập, đi lễ hội đầu xuân.

Đặc biệt chúng tôi cũng sẽ tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát lưu động 24/24h, tập trung vào các vi phạm về tốc độ, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, đi sai phần đường, làn đường, tránh vượt sai, quay đầu sai quy định, chở quá số người quy định; đỗ, dừng đón trả khách sai quy định, chở quá tải, quá khổ... và công tác xử lý vi phạm thông qua hệ thống camera.

PV: Điều đáng lo nhất trong đầu năm mới, là vấn đề ùn tắc tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Thực tế, chỉ cần một vụ tai nạn, là ùn tắc xảy ra ngay. Để điều này không cản trở sự lưu thông của người dân, lực lượng CSGT Hà Nội đã có giải pháp gì để giải quyết tình huống này?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Bắt đầu từ mùng 5, mùng 6 tháng Giêng, trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận sẽ diễn ra nhiều hoạt động lễ hội. Cũng là thời điểm cán bộ công chức quay trở lại làm việc. Hơn nữa, sau khi đi làm, các cơ quan đoàn thể có thể tiếp tục ra đường đi chúc tụng, rồi lễ chùa đầu năm... Điều này góp phần làm gia tăng lượng phương tiện lưu thông trên đường. 

Do đó, chúng tôi xác định các tuyến đường gần khu vực đình chùa, khu vực 5 cửa ngõ có thể bị ùn tắc đến hết rằm tháng Giêng, điều này là không tránh khỏi. Đây cũng sẽ là thời điểm khó khăn vất vả của lực lượng CSGT. Với ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, tôi cũng lo nhất là vấn đề 5 tuyến quốc lộ ra vào của ngõ. Đặc biệt là các điểm soát vé của trạm thu phí. 

Nhưng thực tế, đây là khu vực do Cục CSGT đảm nhiệm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã phối hợp với các lực lượng để hạn chế giảm tải tại các bến xe trọng điểm, cũng như các tuyến trọng điểm trên địa bàn Thủ đô. Bố trí tăng cường lực lượng, các tổ công tác để kịp thời điều tiết, phân luồng giao thông khi chẳng may có sự cố xảy ra.

PV: Cuối năm 2016, Phòng CSGT Hà Nội có đề xuất giải pháp chống ùn tắc là mỗi người dân chỉ nên được cấp một biển số xe ô tô và một biển số xe máy. Ngay sau khi đề xuất này được đưa ra đã nhận được không ít phản hồi trái chiều của người dân. Đồng chí có thể nói rõ hơn về việc này?

Đại tá Đào Vịnh Thắng: Ngoài việc tập trung hướng dẫn cho nhân dân đi lại, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật để người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, Phòng CSGT Hà Nội cũng đã đưa ra các giải pháp kiến nghị giảm ùn tắc, đảm bảo ATGT.

Như thay vì quy định 10 năm mới đổi GPLX một lần thì nay chỉ nên để 5 năm, và hằng năm có kiểm tra lại sức khoẻ của người điều khiển phương tiện. Nếu để 10 năm, và trong cả quãng thời gian đó chúng ta không xác định được sức khoẻ của người chủ giấy phép thay đổi thế nào, liệu họ có đảm bảo sức khoẻ để lái xe tiếp hay không...

Thành phố cũng cần xây 5-10 cây cầu nữa để đảm bảo cho giao thông Hà Nội đi lại, như cầu từ Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng sang Bát Tràng, cầu từ Thường Tín sang Văn Giang để tránh các phương tiện đi Hà Nội... Đặc biệt là mở tuyến đường xe buýt nhanh trên dọc tuyến Yên Phụ đi Nhổn và ngược lại, và đưa đê kè hẳn ra bên ngoài, lấy đê hiện tại để làm đường nhanh; mở tuyến tàu đường thuỷ công cộng từ Thường Tín chở khách chạy lên Sơn Tây...

Song, trước mắt đề nghị Chính phủ có quy định về niên hạn sử dụng đối với ôtô con, xe máy. Đối với mỗi người công dân chỉ đăng ký một biển số xe ôtô và môtô.  Quan điểm của chúng tôi cũng sẽ góp phần quản lý tốt trong công tác phòng chống tội phạm hình sự, quản lý tốt các phương tiện, chủ phương tiện khi tham gia giao thông; khi đi đăng ký xe phải có thẻ tín dụng ngân hàng.

Đây là điều hết sức quan trọng trong việc giảm phiền hà, giảm đi lại cho người điều khiển phương tiện, khi mà người ta vi phạm. Biện pháp quản lý công tác của người quản lý xe. Trước khi đề xuất giải pháp mỗi người chỉ nên được cấp một biển số xe ôtô hay xe máy, tôi đã nghiên cứu về Hiến pháp cũng như pháp luật được Nhà nước quy định, và quan điểm của chúng tôi đề xuất là trên tinh thần mỗi một gia đình có thể mua 20 xe-30 xe tuỳ điều kiện kinh tế nhưng khi đăng ký chỉ được cấp một biển.

Còn nếu anh không thích biển số này, có thể làm thủ tục để xoá số, hoặc bán biển đấy, với điều kiện anh không đi ôtô, xe máy nữa. Còn lại doanh nghiệp muốn đăng ký, thì quy định mỗi DN chỉ được 20-25 đầu xe, được cấp 20-25 biển, nhưng hợp pháp và được cho phép.

PV: Xin cảm ơn Đại tá!

Phạm Huyền (thực hiện)
.
.
.