Giải pháp nào cho hoạt động của xe 'cóc'

Thứ Hai, 14/09/2015, 09:38
Với đặc thù là xe nhỏ, chạy nhanh, chở ít người, đón khách khắp nơi, xe “cóc” không chỉ là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông ở tuyến biên giới phía Bắc mà nó còn là phương tiện để chuyên chở hàng lậu.

Mười năm trước, những chiếc xe “cóc” (xe ôtô loại 7 chỗ - pv) len lỏi, lạng lách chở hàng từ biên giới Tân Thanh, Đồng Đăng, Lộc Bình về TP Lạng Sơn nhanh thoăn thoắt trốn tránh khi bị lực lượng chống buôn lậu truy đuổi, nay thời “hoàng kim” của loại xe này đã không còn như trước nhưng chúng vẫn là phương tiện chở hàng hoá từ biên giới về thành phố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Không thuộc loại hình xe vận tải nào, nhưng xe “cóc” vẫn bắt khách, chở hàng, dừng đón khách sai quy định.

Chiều 10/9, dưới cái nắng vẫn còn rát mặt, tại cửa khẩu Tân Thanh, gần chục chiếc xe “cóc” chạy vòng vo tìm khách. Một chiếc xe “cóc” mà chồng là tài xế, vợ là phụ xe đã đồng ý chở chúng tôi về thành phố Lạng Sơn với cái giá bằng xe buýt: 15.000 đ/người. Bước lên xe, dưới gầm và trên ghế đã xếp tương đối nhiều hàng hoá, chúng tôi phải ngồi co chân mới đủ chỗ. 

Chợ Tân Thanh vắng ngắt người mua, chỉ rặt thấy người bán với đủ các mặt hàng, nhiều nhất vẫn là quần áo và đồ gia dụng. Lòng vòng không bắt thêm được khách nào nữa, chị phụ xe càu nhàu: “Thế này thì chả đủ ăn, thôi đi đi”. Anh chồng nhấn ga phóng xe ra khỏi cửa khẩu.

Nếu trước đây xe “cóc” chỉ dành cho chở hàng từ cửa khẩu Tân Thanh và thị trấn Đồng Đăng về thành phố Lạng Sơn thì nay phải chở thêm khách để bù lỗ. Ngày trước, các xe này thường tránh đi qua Trạm kiểm tra liên ngành Dốc Quýt, nhưng nay họ đều rẽ vào để kiểm tra. 

Xe “cóc” đang vòng vo đón khách ở cửa khẩu Tân Thanh.

“Nếu đi đường tắt mà bị bắt thì mất tất cả, tội gì mà đi tắt cho khổ” - chị vợ giải thích. Chiếc xe rẽ vào Trạm kiểm tra liên ngành Dốc Quýt, gặp cán bộ kiểm tra, chị vợ xuýt xoa: “Hôm nay có ít hàng quá, bác cho nhà em đi nhé”. Sau khi cán bộ kiểm tra hàng ở cuối xe, trên ghế, tài xế đánh xe ra cổng chờ vợ. Xong xuôi, chiếc xe lao vút về thành phố trả hàng.

Vài năm trước đây, khi đến Lạng Sơn, hình ảnh dễ thấy nhất là những chiếc xe “cóc” chở hàng lao như bay trên đường. Xe “cóc” đã trở thành một “thương hiệu” quen thuộc ở thành phố vùng biên này. Nhưng hiện nay, số lượng xe “cóc” còn hoạt động đã giảm đi nhiều. 

Theo Thiếu tá Hoàng Văn Đức, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn thì, tỉnh Lạng Sơn hiện có trên 20 xe cóc hoạt động từ huyện Lộc Bình về TP Lạng Sơn và 80 đến 100 xe hoạt động từ thành phố Lạng Sơn đi Đồng Đăng, Tân Thanh và ngược lại. Lạng Sơn chưa có tuyến xe khách đi Tân Thanh mà chỉ có xe buýt nên xe “cóc” vẫn được người đi chợ và khách du lịch lựa chọn.

Với đặc thù là xe nhỏ, chạy nhanh, chở ít người, đón khách khắp nơi, xe “cóc” không chỉ là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông ở tuyến biên giới phía Bắc mà nó còn là phương tiện để chuyên chở hàng lậu. 

Lý giải về vấn đề này, Thiếu tá Hoàng Văn Đức cho biết: “có xe chạy 3-4 chuyến/ngày, chở hàng xách sáo (hàng xách tay của người dân đi chợ) gọn nhẹ, giá trị không cao. Về hàng hoá trên xe đã có Trạm kiểm tra liên ngành Dốc Quýt kiểm tra, nên lực lượng CSGT chỉ kiểm tra và xử lý về lỗi vi phạm giao thông. Tại các Trạm CSGT đều bố trí phương tiện, máy đo tốc độ, camera giám sát hình ảnh để xử lý khi có vi phạm. Do đến nay Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn chưa cấp phép cho loại xe này là loại hình vận tải nào (không phải là xe khách, không phải xe taxi) nên CSGT phải áp dụng biện pháp xử phạt xe ôtô con dưới 9 chỗ”. 

Công an tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, xử phạt 1.334 trường hợp xe ôtô con vi phạm, trong đó có xe “cóc”. Tuy nhiên, với địa bàn biên giới, phương tiện đông, xe “cóc” phóng nhanh, vượt ẩu, dừng đỗ đón khách sai quy định vẫn là mối nguy cơ lớn đến TTATGT. Đặc biệt, đây lại là phương tiện không được cấp phép loại hình vận tải, việc chở hàng hoá là sai quy định, nhất lại là hàng không có nguồn gốc, hoá đơn chứng từ… chẳng khác nào tiếp tay cho hoạt động buôn lậu.

Theo Thiếu tá Hoàng Văn Đức thì vấn đề xe “cóc” tồn tại đã lâu và hiện tỉnh Lạng Sơn cũng chưa tìm ra giải pháp để quản lý số xe này như thế nào. Thiết nghĩ, trong khi chờ đợi phương án, các lực lượng chức năng cần siết chặt quản lý và xử lý nghiêm vi phạm.

Hằng Hương
.
.
.