Hà Nội Bố trí thêm 87 điểm đỗ xe trên lòng đường

Thứ Tư, 26/04/2017, 08:09
Mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an TP Hà Nội đã đề xuất ý tưởng cho phép trông giữ xe trên lòng đường một số tuyến phố nội thành có mặt cắt từ 7,5m trở lên. Trong khi Hà Nội “siết chặt” quy định về vỉa hè và chỗ đậu đỗ xe, thì đây liệu có phải là một giải pháp khả thi?


Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện nay tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố là 91,16ha, chiếm 0,21% đất xây dựng đô thị, mới chỉ đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu đỗ xe. Trong khi đó, hiện thành phố có khoảng 5,5 triệu phương tiện, mỗi năm tăng thêm 17% lượng ôtô, 11% lượng xe máy.

Các chuyên gia cho rằng, nếu không sớm có biện pháp hữu hiệu cho vấn đề bến, bãi đỗ xe thì ít năm tới, Hà Nội sẽ không rơi vào khủng hoảng vì ùn tắc giao thông cả động và tĩnh. Bên cạnh những giải pháp chiến lược, lâu dài đó, vừa qua Phòng CSGT, Công an thành phố và Ban Chỉ đạo 197 thành phố đã đề xuất Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu cấp phép cho trông giữ xe trên lòng đường 87 tuyến phố có mặt cắt từ 7,5m trở lên.

Phó trưởng Phòng Kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội Vũ Ngọc Thắng cho biết, hiện đây mới chỉ là ý tưởng, Sở chưa nhận được văn bản đề xuất chính thức. Tuy nhiên, việc cho phép đỗ xe trên lòng đường một số tuyến phố nội thành hiện nay là khả thi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cho phép đỗ xe trên lòng đường 87 tuyến phố có mặt cắt từ 7,5m trở lên là phù hợp.

Ông Thắng cho biết, theo Thông tư 04/2008/TT - BXD, đối với đường 1 chiều, lòng đường tối thiểu 7,5m thì cho phép đỗ xe bên phải phần xe chạy; đường 2 chiều, lòng đường tối thiểu 10,5m thì cho phép đỗ xe 1 bên; đường 2 chiều, lòng đường tối thiểu 14m thì cho phép để xe 2 bên. Khu vực nội thành hiện có nhiều tuyến phố đáp ứng tiêu chí này như: Bà Triệu, Phan Chu Trinh, Trần Phú, Nam Đồng, Phố Huế, Ô Chợ Dừa, Hoàng Cầu... Ông Thắng khẳng định: “Nếu nhận được đề xuất của các đơn vị, Sở sẽ bắt tay vào nghiên cứu, đánh giá ngay thực trạng các tuyến phố và tiến hành cấp phép nếu đạt tiêu chuẩn, tiêu chí”.

Cùng quan điểm, Ths Đinh Quốc Thái - Ban quản lý dự án, Sở Quy hoạch & Kiến trúc Hà Nội nhìn nhận, việc cho phép đỗ xe trên lòng đường 87 tuyến phố có mặt cắt đáp ứng các quy định là phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của Hà Nội. “Giao thông tĩnh không chỉ là nhu cầu rất lớn mà nó còn ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đô thị Hà Nội”, ông Thái nhận định.

Một thành phố phát triển, thu hút người dân từ khắp nơi đổ về làm ăn, sinh sống tất yếu phải gia tăng nhanh chóng nhu cầu về hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông tĩnh. Nếu không có chỗ đỗ xe sẽ hạn chế khả năng phát triển thương mại, du lịch của Hà Nội.

Ông Thái thông tin thêm: “Trong hệ thống văn bản pháp quy cũng đã nêu rõ tiêu chuẩn cho phép đỗ xe trên lòng đường đối với các tuyến phố. Theo tôi, không nên chần chừ mà cần phải xem xét thực hiện ngay, đây không chỉ là giải pháp tình thế mà nếu quản lý tốt còn là giải pháp lâu dài cho giao thông tĩnh của Hà Nội”. Tương tự, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội Phạm Văn Đức cũng cho rằng, trên thực tế, một số tuyến phố hiện nay không cho đỗ xe thì chủ phương tiện vẫn đỗ “chui”, vừa gây thất thu ngân sách, vừa mất trật tự đô thị.

“Theo tôi, nếu đáp ứng đủ tiêu chí, tiêu chuẩn thì nên cấp phép để quản lý, vừa có thêm đất dành cho giao thông tĩnh, có thêm nguồn thu cho ngân sách, vừa giảm thiểu tình trạng lộn xộn tại các tuyến phố này”. Tuy nhiên, Ths Đinh Quốc Thái cũng lưu ý cơ quan chức năng cần xem xét đến yếu tố cấp hạng đường trong việc rà soát, cấp phép dừng đỗ phương tiện.

“Đối với các trục chính đô thị, đi xuyên tâm, chịu áp lực lớn như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Hồ Tùng Mậu... thì không nên cho phép dừng đỗ để tránh gây ùn tắc giao thông”. Phó trưởng Phòng Kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội Vũ Ngọc Thắng cũng cho biết, 30/87 tuyến phố theo đề xuất ban đầu của Phòng CSGT hiện nay đang nằm trong danh mục cấm đỗ. Nếu muốn cấp phép sẽ cần nghiên cứu kỹ, ưu tiên cao nhất là phải đảm bảo trật tự, ATGT.

Không chỉ đồng tình với đề xuất cho phép dừng đỗ xe trên một số tuyến phố nội thành, giới chuyên gia còn nhận định, Hà Nội cần thêm nhiều nữa những phương án táo bạo để mở rộng không gian dành cho giao thông tĩnh.

Cụ thể là hướng tới việc xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng ngay trong cấu trúc của nhà cao tầng. Hiện không ít toà nhà chung cư không đáp ứng được đủ chỗ đỗ xe cho dân cư, khiến phương tiện cá nhân từ đây tràn ra đường phố, gia tăng áp lực cho quỹ đất dành cho giao thông tĩnh vốn eo hẹp. Cùng với đó, quy định về chiều cao, số tầng hầm cũng đang gây nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, bãi đỗ xe dưới các tầng hầm thường tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn tầng nổi khi cháy nổ, thiên tai...

“Nếu cơ quan chức năng có thể nới “room” chiều cao các toà chung cư cao tầng, bắt buộc chủ đầu tư dành 3 - 5 tầng nổi để làm bãi đỗ xe, sẽ giải quyết tốt vấn đề của tất cả các bên liên quan” – ông Thái nhận định.

Đặng Nhật
.
.
.