Giá xăng giảm 4 lần nhưng cước vận tải vẫn giữ nguyên, vì sao?

Thứ Năm, 13/12/2018, 07:16
Từ đầu tháng 10 đến nay, giá xăng đã liên tiếp giảm 4 lần. Tổng cộng, mỗi lít xăng sinh học E5 đã giảm hơn 3.600 đồng và xăng A95 giảm gần 4.000 đồng. Tuy nhiên, cước vận tải vẫn không hề có dấu hiệu giảm khiến người tiêu dùng bức xúc.Về phía doanh nghiệp, các hãng đều đưa ra rất nhiều lý do để không giảm giá.

Đặc biệt là giá taxi, dù giá xăng đã giảm khá mạnh nhưng các hãng đều cho biết sẽ không giảm giá cước. Lý do được các hãng đưa ra với nhiều nguyên nhân khác nhau, như thời gian điều chỉnh giá xăng dầu quá ngắn, vận tải không theo kịp, hoặc trước đó xăng tăng giá nhưng cước taxi không tăng… 

Biểu giá cước xe taxi Mai Linh vẫn giữ nguyên từ năm 2017 đến nay, còn Vinasun là từ năm 2016. Chẳng hạn, giá mở cửa xe taxi loại bốn chỗ của Mai Linh vào tháng 8-2017 là 5.000 đồng và kilômét thứ hai trở đi là 16.900 đồng, đến nay vẫn giữ nguyên. Với Vinasun, xe taxi loại năm chỗ có giá mở cửa là 11.500 đồng đã được giữ nguyên từ tháng 5-2016 đến nay.

Giá xăng giảm nhưng không giảm giá cước vận tải ảnh hưởng đến quyền lợi người đi xe khách.

Đại diện taxi Mai Linh, ông Hồ Quốc Phi cho biết, do 6 lần trước đó, giá xăng tăng khá mạnh nhưng taxi Mai Linh giữ nguyên giá cước, không tăng, cho nên thời gian gần đây, dù giá xăng đã 4 lần giảm liên tiếp nhưng hãng cũng không thể giảm giá cước. 

Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, khi điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp vận tải phải mất nhiều thời gian và chi phí. Trước hết, các hãng phải chờ giá xăng, dầu giảm với biên độ đủ rộng mới họp các thành viên trong hiệp hội để thống nhất khung giảm giá chung. 

“Cụ thể như với taxi sẽ phải cài đặt lại đồng hồ tính tiền; vận tải khách phải in vé và phát hành lại. Trong vận tải hàng hóa, do hợp đồng với chủ hàng đã được ký trước theo thời gian dài, khi điều chỉnh giá cước phải đàm phán với chủ hàng”, ông Quyền phân tích. 

Tuy nhiên, ông Quyền cũng nhìn nhận: “Về mặt tâm lý, đứng ở góc độ người kinh doanh, giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp thấy đây là điều kiện có thể tăng giá trong bối cảnh cạnh tranh đầy áp lực kinh doanh. Do vậy, họ tích cực, nhanh chóng tăng giá hơn giảm giá. Điều này không quá khó hiểu. Qua theo dõi tình hình biến động giá xăng dầu, chúng tôi thường khuyến cáo các doanh nghiệp là phải giải quyết hài hòa lợi ích của mình, của xã hội và của người tiêu dùng. Có như vậy mới phát triển bền vững được”.

Xét về khía cạnh pháp lý, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam phân tích, theo Luật Giá, Nhà nước điều hành giá thông qua quỹ bình ổn, hoặc quy định một số loại giá dịch vụ. Tuy nhiên, giá cước vận tải không nằm trong danh mục này, mà theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự chủ, tự định giá của tổ chức, cá nhân. Không chỉ lo ngại trước cơ chế xăng tăng giá ầm ầm, nhưng giảm lại nhỏ giọt, ngay cả tần suất tăng giảm của giá xăng cũng khiến doanh nghiệp “chạy” theo không kịp. 

Ông Hồ Quốc Phi cho rằng, nếu giá xăng biến động nhiều, cứ 15 ngày thay đổi một lần, người tiêu dùng sẽ rất hoan nghênh, còn các doanh nghiệp taxi sẽ chịu ảnh hưởng lớn, coi như mất đứt một ngày không kinh doanh, chưa kể phải tốn nhiều tiền thuê kiểm định phá kẹp chì đồng hồ. 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quyền cũng cùng quan điểm: “Với xăng dầu, tăng và giảm giá  nên có mức độ thích hợp, không nên tăng vài nghìn đồng nhưng chỉ giảm vài trăm đồng. Doanh nghiệp vận tải mong muốn ổn định chu kỳ tăng giảm giá xăng dầu. Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này cũng phải theo cơ chế thị trường, khi giá nhập khẩu tăng phải tăng và ngược lại. Chúng tôi đang nghiên cứu cách hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải thay đổi giá cước sao cho phù hợp với các biến động từ giá xăng dầu trong thời gian tới”.

Các hãng vận tải đều “án binh bất động” không giảm giá.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, xăng dầu chiếm khoảng 30% giá cước vận tải. Thế nên, khi xăng dầu giảm giá mà cước không giảm khiến người tiêu dùng cảm thấy bị “móc túi” 2 lần. 

Ông Long nhìn nhận, doanh nghiệp vận tải không bao giờ “lấy đá ghè chân mình”, vì họ không bao giờ tự hạ giá. Khi yêu cầu giảm, doanh nghiệp chắc chắn vin nhiều lý do giải thích cho việc chưa, hoặc không giảm giá cước như: Cần tôn trọng cơ chế thị trường, để các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau về giá... Rồi tổng mức tăng giá xăng dầu qua các lần điều chỉnh tăng vẫn cao hơn tổng mức giảm, mỗi lần điều chỉnh mất thời gian, tốn kém chi phí do phải cài lại đồng hồ, in lại hóa đơn... 

Những lý do doanh nghiệp đưa ra là không hợp lý. Bởi thực tế không ai có thể chối bỏ được là khi giá xăng tăng lập tức doanh nghiệp tăng giá cước. Chuyên gia này cũng đề xuất, cần xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp không thực hiện yêu cầu kê khai lại giá theo yêu cầu của cơ quan quản lý. 

Cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm tra yếu tố hình thành giá; tiến hành xử phạt hành chính, buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi do việc lợi dụng cơ chế thị trường để định giá bất hợp lý theo Nghị định số 109/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

Diệp Linh
.
.
.