Đường sắt sẽ làm gì với khoản đầu tư 7.000 tỷ đồng?

Thứ Tư, 13/06/2018, 09:07
Chính phủ đang trình Quốc hội thông qua việc cấp 7.000 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 cho đường sắt. Vậy, với số tiền này, ngành đường sắt sẽ làm gì để dần nâng cao vị thế của mình?


Sau nhiều “trắc trở” với hàng loạt các tai nạn, ngành đường sắt thời gian qua đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của người dân cũng như các đơn vị quản lý. Nỗi lo về hạ tầng lạc hậu yếu kém, người lao động làm việc lương thấp tới đây sẽ được khắc phục bởi thời điểm này, Chính phủ đang trình Quốc hội thông qua việc cấp 7.000 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 cho đường sắt. Vậy, với số tiền này, ngành đường sắt sẽ làm gì để dần nâng cao vị thế của mình?

Theo lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trước tiên là để phục vụ cho an toàn. Đường sắt Việt Nam quá lạc hậu, nhiều năm không được đầu tư tương xứng nên nhiều hạng mục cầu, hầm, đường suy yếu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu không cải tạo, nâng cấp kịp thời. Do kinh phí dành cho duy tu, sửa chữa thường xuyên hàng năm rất thấp, chỉ khoảng 30% so với yêu cầu, nếu chia số kinh phí đó cho 3.165km đường sắt trên toàn mạng lưới, cứ khoảng 70 năm mới đi hết một vòng.

Ngành đường sắt đang “ráo riết”  tìm các giải pháp nâng cao an toàn chạy tàu.  Ảnh minh họa: CTV.

Rõ ràng không phải công trình nào 70 năm vẫn còn sử dụng được, vì thế nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng, đặc biệt là hầm yếu, cầu yếu, đường yếu. Như đoạn Sài Gòn - Nha Trang, nền đường, ray, tà vẹt rất cũ. Việc cải tạo nâng cấp thực ra là bù lại cho duy tu sửa chữa thường xuyên để cải tạo những hạng mục quá yếu. Cái đích cuối cùng là an toàn.

Nếu cải tạo được ray, nền đường, đường cong các điểm xung yếu, sẽ cải thiện được tốc độ chạy tàu. Tập trung làm đường gom, rào chắn, để xóa bỏ khoảng 800 lối đi tự mở sẽ vừa đảm bảo an toàn, vừa nâng được tốc độ chạy tàu khu gian. Các hạng mục cải tạo đường ga, kéo dài đường ga, đặt thêm đường sắt trong ga ở một số ga năng lực còn yếu… cũng sẽ góp phần tăng năng lực thông qua.

“Chúng tôi đang kỳ vọng trong tháng này, Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua. Nếu được bố trí vốn, chúng tôi sẽ triển khai đồng loạt 4 tiểu dự án thuộc dự án trên để có thể đưa vào khai thác đồng bộ, đảm bảo hiệu quả dự án”, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thông tin và chia sẻ thêm.

“Nguyên tắc lựa chọn dự án ưu tiên của chúng tôi là đầu tư có trọng điểm, tập trung cho tuyến đường sắt huyết mạch Hà Nội -TP Hồ Chí Minh đã có quy hoạch chi tiết được Bộ GTVT phê duyệt. Cùng đó, xác định các công trình thiết yếu đầu tư theo từng dự án cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả khi đưa vào khai thác. Ưu tiên cho các khu đoạn có nhu cầu vận tải cao là khu đoạn  Nha Trang - Sài Gòn và khu đoạn Hà Nội - Vinh. Không đầu tư  rải đều mà đầu tư dứt điểm các công trình cần thiết để phát triển từng khu đoạn nhằm mang lại hiệu quả cụ thể”.

Ngay sau khi được thông qua, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ lựa chọn tư vấn, xây dựng dự án, thiết kế… những hạng mục mới.

Với 7.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất kế hoạch đầu tư nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu nâng cấp toàn tuyến cùng một cấp tải trọng 4,2 tấn/m; Tăng năng lực thông qua của tuyến từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm và có thể khai thác với vận tốc bình quân tàu khách 80-90km/h, tàu hàng 50-60km/h. Qua đó rút ngắn thời gian chạy tàu trên các khu đạn và trên toàn tuyến đường sắt  Bắc Nam.

Đặc biệt, đối với tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là tuyến trọng điểm, khi được đầu tư như các dự án đề xuất trên, năng lực thông qua sẽ được cải thiện từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm. Cùng đó, trên toàn tuyến đường sắt thống nhất, hành trình thời gian chạy tàu khách nhanh sẽ rút ngắn được khoảng 3 giờ.

Ngành đường sắt tiếp tục kỷ luật hàng loạt giám đốc, cách chức nhiều nhân viên

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân của Tổng công ty liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian gần đây.

Về thẩm quyền Hội đồng thành viên VNR đã họp, xem xét và quyết định hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với ông Hoàng Gia Khánh, người đại diện phần vốn của VNR-Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa; khiển trách đối với ông Lê Minh Tuấn, người đại diện phần vốn của VNR-Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa.

“Việc tăng, giảm hay giữ nguyên hình thức kỷ luật sẽ được xem xét sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra có kết luận chính thức vụ việc,” ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR khẳng định.

Đối với vụ tàu hàng tông nhau tại Ga Núi Thành ngày 26-5, Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghĩa Bình đề nghị VNR sa thải đối với ông Nguyễn Văn Hải-Trưởng dồn ga Núi Thành; cách chức đối với ông Dương Văn Minh-Trưởng ga Núi Thành; kéo dài thời hạn nâng lương đối với ông Phạm Minh Tâm-Trực ban chạy tàu ga Núi Thành, ông Huỳnh Bá Hạt-Giám sát an toàn, ông Hà Văn Lưu - Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh - Kiểm tra an toàn Chi nhánh, ông Nguyễn Tấn Dũng - Phó phòng Kế hoạch kinh doanh-Kiểm tra an toàn Chi nhánh, ông Bùi Ngọc Lâm - Gác ghi ga Núi Thành.

Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng cũng khiển trách đối với ông Trần Nhật Chung - Trưởng phòng An toàn - Bảo vệ an ninh quốc phòng, ông Nguyễn Xuân Quang - Quản đốc Phân xưởng Vận dụng, ông Phan Tiến Sỹ - Đội trưởng Đội lái tàu 3, ông Nguyễn Văn Công - Phụ lái tàu. VNR phê bình nghiêm khắc đối với tập thể Ban An ninh - An toàn giao thông đường sắt Tổng Công ty; khiển trách đối với ông Phạm Nguyễn Chiến - Trưởng Ban An ninh - An toàn giao thông đường sắt VNR.

Liên quan đến vụ tai nạn đường sắt tàu 2386 do đầu máy D18E-602 kéo 27 xe bị trật bánh 2 toa xe tại Ga Yên Xuân (Nghệ An) ngày 26-5, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cũng đưa ra hình thức kỷ luật khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương đối với hàng loạt cán bộ công nhân viên đồng thời phê bình và hạ chất lượng công tác đối với các ông Trần Quốc Toản-Phó Giám đốc Phụ trách khối sửa chữa cơ khí Chi nhánh Toa xe Vinh, Đỗ Văn Quang-Phó Giám đốc Phụ trách khối vận dụng Chi nhánh Toa xe Vinh.

Tại cuộc họp của Hội đồng kỷ luật, ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR và ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR đã nhận hình thức kỷ luật là khiển trách. Tuy nhiên, Hội đồng kỷ luật đã bỏ phiếu và đưa ra quyết định phê bình nghiêm khắc đối với 2 lãnh đạo này.

Đặng Nhật

Phạm Huyền
.
.
.