Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 liệu có lăn bánh được vào năm 2023?

Thứ Bảy, 18/08/2018, 07:31
UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) liên quan đến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị tuyến số 2, Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo. Trong khi đến nay dự án mới chỉ giải phóng được lượng nhỏ mặt bằng, nhưng theo tiến độ điều chỉnh, tàu sẽ lăn bánh vào năm 2023!.


UBND TP Hà Nội nhìn nhận, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2 là tuyến xương sống của hệ thống ĐSĐT, kết nối các khu vực đô thị hiện tại và tương lai của Hà Nội.  Dự án có quy mô xây dựng đoạn tuyến đường sắt đi ngầm, chuyển tiếp dài 8,9km; xây dựng đoạn tuyến đường sắt đi trên cao và đường dẫn depot dài 2,6km; 7 ga ngầm, 3 ga trên cao và 1 depot (tại phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm). 

Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi 26,227 ha; số hộ dân/nhân khẩu phải di chuyển khoảng 209 hộ/ khoảng 1.560 nhân khẩu. Thời gian thực hiện từ 2009-2023 (dự kiến thời gian đào tạo chuyển giao công nghệ bảo dưỡng 5 năm). 

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 11-2008 là 19.555 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 35.679 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư gồm vốn vay ODA của JICA (khoảng 30.500 tỷ đồng), vốn đối ứng từ ngân sách thành phố Hà Nội (hơn 5.100 tỷ đồng). 

Theo UBND TP Hà Nội, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh tăng thêm hơn 16.100 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt trước đó là do thay đổi về quy mô đầu tư tăng 1.802,868 tỷ đồng (khoảng 9%); thay đổi chế độ chính sách của Nhà nước trong quản lý chi phí đầu tư tăng 3.525,491 tỷ đồng (khoảng 18,4%); thay đổi tỷ giá quy đổi tăng 2.235,263 tỷ đồng (khoảng 11%); sự biến động về giá đối với nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công tăng 8.560,010 tỷ đồng (khoảng 43,6%).

Đến nay, đã giải phóng mặt bằng (GPMB) khu vực depot được khoảng 76% diện tích, chủ yếu là đất nông nghiệp của 233 hộ); tổng số công trình nhà cửa của các hộ dân bị thu hồi đất ở khoảng 150 hộ. Dự kiến sẽ hoàn thành GPMB xong trong quý 2-2019. 

Đoạn tuyến và 3 ga trên cao, đã GPMB được khoảng 52% diện tích (chủ yếu là đất nông nghiệp). Dự kiến sẽ giải phóng xong trong quý 2-2019. Còn đối với đoạn tuyến và 7 ga ngầm, đã thực hiện GPMB khoảng 23% diện tích (chủ yếu là đất tổ chức, cơ quan Nhà nước). 

Dự kiến sẽ hoàn thành GPMB trong quý 4-2019. Theo tiến độ được duyệt ban đầu, dự án hoàn thành, đưa vào vận hành chạy thử và khai thác vào năm 2015. Tuy nhiên, do phải thực hiện điều chỉnh thiết kế cơ sở để phù hợp với điều kiện thực tế nhằm nâng cao hiệu quả dự án, do các thay đổi về thể chế... nên tiến độ thực hiện dự án dự kiến phải điều chỉnh thời gian hoàn thành đến năm 2023. 

Song, theo UBND TP Hà Nội, sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư xin phê duyệt điều chỉnh là thay đổi thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, phải đưa ra Quốc hội xem xét quyết định. Nhưng Luật không có quy định điều khoản chuyển tiếp đối với các dự án đang thực hiện có thay đổi thuộc tiêu chí này. 

Bởi vậy, Hà Nội kiến nghị Bộ KH-ĐT với vai trò là đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Đầu tư công và Nghị định 131/2015/NĐ-CP, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về xử lý chuyển tiếp dự án tuyến đường sắt đô thị số 2.

Diệp Linh
.
.
.