Dừng hoạt động xe máy, người dân sẽ được hỗ trợ gì?

Thứ Năm, 06/07/2017, 09:36
Đến thời điểm này, chủ trương dừng hoạt động xe máy để hạn chế phương tiện cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Dù lộ trình đưa ra là năm 2030, tức là còn tới hơn 12 năm nữa, song người dân vẫn lo lắng, họ sẽ di chuyển bằng phương tiện công cộng nào? Tại sao không cấm ôtô mà lại dừng xe máy? Cơ quan chức năng liệu có hỗ trợ gì cho người dân nếu chủ trương đi vào đời sống…


Theo ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Hà Nội là thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên làm đề án này nên gặp khá nhiều khó khăn.

“Sau khi khảo sát và lấy ý kiến chúng tôi đã chỉnh sửa lại. Ban đầu đưa ra thời điểm dừng xe máy là năm 2025, sau đó sửa lại đến năm 2030 mới bắt đầu triển khai. Đến thời điểm ấy, các chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) mới phù hợp với nhịp độ và đáp ứng được việc có thể dừng xe máy”.

Ông Mười cũng cho biết, Hà Nội sẽ dừng xe máy vào năm 2030 khi phương tiện công cộng đáp ứng được 40-50% nhu cầu đi lại của người dân. Từ nay đến 2030, UBND TP Hà Nội đã xin đầu tư 10 tuyến đường sắt. Với quy hoạch như thế, tỷ lệ VTHKCC sẽ đáp ứng 40-50% nhu cầu đi lại của người dân là khả thi.

“Đến 2025, mạng lưới xe, điểm dừng nhà chờ sẽ được cải tạo triệt để, làm sao đáp ứng được trong khoảng cách người dân tiếp xúc điểm dừng nhà chờ dưới 500m. Phấn đấu đưa vận tải hành khách bằng xe buýt lên 25%. Sau đó, mới là các phương tiện khác như: đường sắt, taxi, vận tải khách đảm đương các thị phần còn lại…”.

Vào năm 2030, phương tiện công cộng sẽ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu kết nối với người tham gia giao thông dưới 500m.

Trả lời câu hỏi, khi Thành phố ra quyết định dừng hoạt động của xe máy mà người dân vẫn đi thì có bị phạt không? Ông Mười cho biết, trong luật và tất cả các Nghị định không có từ "cấm" mà chỉ "dừng". “Cấm là cấm đăng ký, sở hữu. Dừng vẫn cho đăng ký và có thể cho hoạt động trong một thời điểm thích hợp, trong những khu vực nhất định. Khi chủ trương đã được HĐND, UBND thành phố thông qua thì người dân phải thực hiện”.

Trong khi ông Lê Đỗ Mười cho rằng, việc dừng xe máy là khả thi, thì có ý kiến cho rằng, tại sao lại dừng xe máy mà không phải là ôtô? Lý giải điều này, ông Lê Đỗ Mười cho biết: Đề án không chỉ nhằm đến mỗi đối tượng xe máy mà cả ôtô cá nhân. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm trên thế giới, không có quốc gia nào dừng hoạt động của ôtô mà chỉ có các biện pháp kinh tế để hạn chế ôtô.

Ở Trung Quốc, sau 10 năm, có 148 thành phố cho dừng hoạt động xe máy và 170 thành phố cấm xe máy hoạt động theo giờ. Đến năm 2016, GDP của các thành phố dừng xe máy ở Trung Quốc có sự tăng trưởng so với thành phố không cấm từ 0,5-1% GDP, đồng thời việc dừng xe máy góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Nếu xe máy cho dừng thì phải thu phí ôtô vào nội đô, đồng thời hạn chế chỗ đỗ… Với taxi thì quản lý chặt theo các phần mềm giám sát. Có thể nói, ôtô quản lý còn chặt hơn xe máy.

Một trong vấn đề mà người dân băn khoăn nữa là dừng hoạt động xe máy thì họ sẽ đi bằng phương tiện gì? Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội chia sẻ: Nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, Nhà nước đang hỗ trợ hệ thống giao thông công cộng bằng trợ giá với vé rất rẻ. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa ý thức được lợi ích của phương tiện công cộng. Nhưng cũng phải thừa nhận, phương tiện công cộng còn chưa đáp ứng được về mặt thời gian và tính kết nối.

“Trong 6 nhóm giải pháp mà đề án đưa ra, có giải pháp áp dụng cuộc cách mạng 4.0, trong đó ứng dụng giao thông thông minh là giải pháp tiên quyết, có tính chất quyết định. Chúng ta phải xây dựng được thành phố thông minh, ứng dụng được phần mềm, làm sao để người dân kết nối, lựa chọn được chuyến đi tốt nhất. Trong đề án này chúng tôi đã đặt ra lộ trình ấy, nhằm mục tiêu phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân”, ông Viện cho biết và nhấn mạnh thêm: “Sở GTVT đang trình Thành phố đề án phát triển mạng lưới xe buýt. Dự kiến, đến 2030 xe buýt chiếm thị phần chủ yếu trong vận tải hành khách công cộng. Chúng tôi đặt ra mục tiêu 80% đáp ứng nhu cầu kết nối với người tham gia giao thông dưới 500m, 20% còn lại với người dân trong ngõ có thể đi bộ, đi bằng xe đạp (trong đề án đã nói rõ bố trí điểm giao thông tĩnh phục vụ giao thông cá nhân và công cộng), còn bên ngoài đi từ các quận, huyện vào sẽ có các điểm gửi xe máy ở tuyến vành đai để sử dụng phương tiện công cộng”.

“Sử dụng xe buýt rẻ, an toàn hơn, nhiệm vụ của chúng tôi là phải chứng minh cho người dân lợi ích này để người dân từ bỏ xe máy, nhưng vấn đề quan trọng hơn là phải nâng cao chất lượng xe buýt để đảm bảo an toàn và thời gian hơn, làm sao đảm bảo di chuyển bằng giao thông công cộng sẽ chính xác giờ. Lúc đó người dân được kết nối thuận tiện, đi lại an toàn, giờ giấc chính xác sẽ sẵn lòng chuyển đổi xe máy sang phương tiện giao thông công cộng tiện ích hơn”, ông Viện cho hay.

Ngoài ra, Hà Nội còn có 8 tuyến vận tải hành khách công cộng BRT khối lượng lớn. Bên cạnh đó, theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km, gồm cả đi trên cầu cạn, cầu cạn kết hợp đi bằng, đi ngầm.

Đặng Nhật
.
.
.