Dự án sân bay Long Thành: Cần giải pháp đột phá đẩy nhanh GPMB

Thứ Tư, 18/04/2018, 09:56
Thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án xây dựng sân bay Long Thành đang được tỉnh Đồng Nai chuẩn bị hết sức khẩn trương với mục tiêu đầu năm 2019 sẽ bàn giao 2.500ha trong tổng diện tích đất quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành.


Trước mắt để đảm bảo tiến độ GPMB và ổn định cuộc sống người dân trong vùng dự án, việc triển khai xây dựng hạ tầng 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn với diện tích trên 585ha hiện đã được tỉnh Đồng Nai xúc tiến để hoàn thành vào cuối năm nay và giữa năm 2019. 

Đồng Nai cũng sẽ ưu tiên tập trung hoàn thành việc GPMB phần diện tích trong quy hoạch vùng lõi sân bay ngay trong năm nay để triển khai sớm việc xây dựng hạ tầng sân bay. Thuận lợi trong việc GPMB của Đồng Nai hiện nay là đã được Bộ Tài chính bố trí số vốn lên đến 4.500 tỷ đồng. 

Hơn nữa, theo GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, trong số gần 5.585ha đất phải thu hồi, thì đất ở của các hộ dân chỉ có hơn 35ha, còn lại là đất của các tổ chức, đất trồng cây lâu năm, đất sản xuất nông nghiệp…

Cò dẫn khách đi xem đất nền được cắt ra từ các lô cao su quanh sân bay Long Thành. 

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai khẳng định, việc thu hồi đất để xây dựng 2 khu tái định cư cho người dân và phần đất xây dựng đường băng sân bay Long Thành sẽ thuận lợi khi các khu vực này chủ yếu là đất được quy hoạch để trồng cao su. 

Riêng phần diện tích vùng lõi sân bay đang được tỉnh giao cho Công ty Cao su Đồng Nai thuê 1.777ha nên việc thu hồi phần diện tích này sẽ không khó với chi phí thấp.

Ngoài những thuận lợi vừa kể, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh, hiện việc triển khai đang bị nghẽn do nguồn vốn mà Bộ Tài chính phân bổ vẫn chưa được cụ thể hóa chi vào việc gì. 

Đồng thời, hiện báo cáo nghiên cứu khả thi hiện vẫn chưa được Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở cho Đồng Nai tổ chức triển khai thực hiện. 

Cùng lúc, báo cáo đánh giá tác động môi trường về dự án hiện cũng chưa được Bộ TN&MT hoàn tất việc thẩm định và phê duyệt; quy hoạch giao thông kết nối vào sân bay hiện cũng chưa hoàn thành.

Để đảm bảo tiến độ thu hồi diện tích đất gần 5.585ha cùng lúc với việc tái định cư, giải quyết việc làm cho hơn 4.864 hộ gia đình với trên 15.557 nhân khẩu, tỉnh Đồng Nai đã đề xuất Trung ương cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. 

Chính sách ưu đãi này sẽ áp dụng cả với những hộ dân có nhà, công trình trên đất nông nghiệp; nhà, công trình đối với người đang sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước và các trường hợp thu hồi đất mà không được bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất. 

Riêng phần diện tích đất trồng cao su của Công ty Cao su Đồng Nai, tỉnh xin áp dụng đơn giá bồi thường, hỗ trợ khoảng 600 triệu đồng/ha. Đây là mức hỗ trợ khá cao so với mặt bằng chung của đất trồng cao su thuê của Nhà nước.

GS-TS Đặng Hùng Võ cho rằng, phương án bồi thường tái định cư hiện nay có nhược điểm là chi phí bồi thường lớn; phải chi tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước khi thực hiện dự án. Phương án này khó có thể đạt được sự đồng thuận cao của người bị thu hồi đất vì giá đất luôn thấp hơn giá thị trường, nhất là tình trạng “sốt đất” tại khu vực quy hoạch sân bay thời gian gần đây.

Thực tế cho thấy, tổng mức đầu tư cho các khu tái định cư đã ở mức 5.571 tỷ đồng; tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ về đất là 18.054 tỷ đồng nên chỉ cần ngân sách chậm bố trí vốn hoặc một số cá nhân, tổ chức không đồng thuận, tiến độ GPMB sẽ có thể bị chậm. 

Chính thực tế này, GS-TS Đặng Hùng Võ đề nghị cần thay đổi phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bằng tiền sang giải pháp bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bằng đất. Để làm theo cách này, cần thực hiện ngay quy hoạch phát triển toàn bộ huyện Long Thành. 

Quy hoạch chi tiết sử dụng đất đối với huyện Long Thành, đặc biệt là trong vùng phụ cận sân bay có diện tích 21.000ha sẽ góp phần ngăn chặn vấn nạn đầu cơ đất nông nghiệp, đất trồng cao su đang đẩy giá đất tăng rất nhanh hiện nay. 

Khi phần lớn diện tích đất nông nghiệp được chuyển thành đất phi nông nghiệp, giá trị đã tăng lên nhiều lần và đây chính là nguồn lực để đầu tư cho khu tái định cư và đầu tư cho sân bay. 

Ngoài tận dụng được nguồn lực đất đai để đầu tư cho phát triển, cách làm này sẽ được người dân ủng hộ do họ được hưởng lợi nhiều hơn từ cơ chế thu hồi đất. 

Trước mắt, để ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền, đầu cơ thao túng, đẩy giá đất nông nghiệp tại huyện Long Thành gây ảnh hưởng đến quá trình bồi thường, giải tỏa cũng như gây thiệt hại đến việc khai thác nguồn lực từ đất, nhiều chuyên gia đã lưu ý Đồng Nai cần khẩn trương lập quy hoạch chi tiết; xác định những khu đất có lợi thế mà sau này sẽ đầu tư các dự án trọng điểm ở vùng phụ cận sân bay để siết chặt quản lý.

Chốt phương án điều chỉnh Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất về cả 2 phía

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án điều chỉnh Quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn phương án do Công ty Tư vấn ADP-I đề xuất, cụ thể là thực hiện việc điều chỉnh Quy hoạch mở rộng, đầu tư và xây dựng mới một nhà ga hành khách hiện đại, đồng bộ và đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực phía Nam để đáp ứng yêu cầu phục vụ đạt 20 triệu hành khách/năm, nâng công suất khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không, bảo đảm tối thiểu đạt 50 triệu hành khách/năm; đồng thời, chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà ga hàng hóa, sân đỗ máy bay, khu bảo dưỡng phương tiện, thiết bị và các công trình phục vụ cho hoạt động hàng không tại khu vực phía Bắc Cảng hàng không - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (nơi có vị trí sân golf hiện tại). 

Phương án nêu trên đáp ứng được các yêu cầu về tiến độ đầu tư và xây dựng, giải quyết sự quá tải trong giao thông vận tải hàng không, sử dụng hiệu quả quỹ đất và giảm chi phí đầu tư; bảo đảm an toàn, an ninh theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). 

Để sớm triển khai phương án điều chỉnh Quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Công ty Tư vấn ADP-I tiếp tục phối hợp với Công ty Tư vấn ADCC hoàn thiện phương án điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm hiệu quả cao nhất, đặc biệt là việc sử dụng đất cả về phía Nam và phía Bắc; đồng thời, phối hợp UBND TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, tính toán tổng thể, đề xuất các giải pháp khả thi nhằm giảm ùn tắc giao thông tại khu vực bên ngoài Cảng hàng không - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đặng Nhật

Bảo Sơn
.
.
.