Đón đầu cơ hội phát triển từ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Thứ Năm, 14/01/2021, 08:30
Sau khi Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành khởi công, tỉnh Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận đang quyết liệt đẩy mạnh triển khai các dự án quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để tận dụng cơ hội phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ tạo động lực giúp Đồng Nai phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn, đặc biệt là lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch. Tỉnh Đồng Nai đã lên kế hoạch bố trí vốn hàng chục nghìn tỉ đồng để đầu tư hạ tầng kết nối với sân bay.

Để tận dụng tối đa động lực từ dự án sân bay Long Thành, cũng như việc giảm tải cho nhiều tuyến quốc lộ đang quá tải, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đề xuất mở mới 4 tuyến đường tỉnh lộ kết nối các địa phương đến khu vực sân bay Long Thành. Cụ thể, mở mới đường tỉnh 770B từ huyện Định Quán nối vào quốc lộ 51 ở huyện Long Thành. Tuyến đường chiến lược này sẽ giúp Đồng Nai hình thành trục giao thông kết nối một loạt huyện như Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và TP Long Khánh đến khu vực sân bay Long Thành.

Sân bay Long Thành trong tương lai.

Tuyến đường tỉnh 773B từ hướng quốc lộ 20 ở huyện Thống Nhất nối vào đường tỉnh 764 ở huyện Cẩm Mỹ cũng tạo thêm kết nối cho khu vực cửa ngõ phía Đông Nam sân bay Long Thành. Tuyến đường tỉnh 780B từ quốc lộ 1 ở huyện Trảng Bom nối với đường Sông Nhạn - Dầu Giây ở huyện Cẩm Mỹ kết nối khu vực quốc lộ 1 qua các huyện Trảng Bom, Thống Nhất đến khu vực cửa ngõ phía Đông sân bay Long Thành.

Tuyến đường thứ 4 được Sở GTVT Đồng Nai đề xuất là đường tỉnh 763B từ quốc lộ 56 ở huyện Cẩm Mỹ nối sang địa bàn huyện Long Thành. Tuyến đường kết nối các huyện phía Đông của tỉnh Đồng Nai sẽ giúp chia sẻ lưu lượng phương tiện cho các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 20 và nút giao Dầu Giây hiện đang quá tải. Ngoài ra, Sở GTVT Đồng Nai cũng đề xuất mở rộng 8 tuyến đường tỉnh lên quy mô 4-6 hoặc 4-8 làn xe trong những năm tới.

Các tuyến giao thông đối ngoại kết nối với Sân bay Long Thành như tuyến đường vành đai 3 và 4, thì đường vành đai 4 sẽ kết nối sân bay Long Thành với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Cuối tháng 9/2020, Dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng đã chính thức được khởi công. Ngoài đường bộ, giao thông kết nối đến sân bay Long Thành, theo quy hoạch cũng có 2 tuyến đường sắt được đầu tư xây dựng, gồm tuyến đường sắt tốc độ cao và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành kết nối trực tiếp đến nhà ga sân bay.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, Sở GTVT thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Sở GTVT 7 tỉnh trong vùng thống nhất các báo cáo, đề xuất giải pháp xử lý các bất cập trong quy hoạch, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của vùng.

Để bảo đảm trật tự an toàn xã hội nhằm đưa dự án đưa vào vận hành đúng tiến độ, đầu tháng 11/2020, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã thành lập Tổ công tác đảm bảo an ninh trật tự phục vụ triển khai Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Tổ công tác này sẽ thực hiện công tác vũ trang cơ động, tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự tại các tuyến đường, địa bàn khu vực triển khai dự án sân bay Long Thành; ngăn chặn, trấn áp kịp thời các vụ gây rối và phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm trong khu vực dự án.

Đ.Thắng
.
.
.