Hà Nội:

Đề xuất nhiều cách hỗ trợ đối tượng từ bỏ chạy xe ba bánh

Thứ Năm, 04/04/2019, 09:38
Với chủ trương kiên quyết tịch thu xe ba bánh tự chế, nhằm đảm đảm an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, song nhiều năm qua, Hà Nội vẫn chưa thể thực hiện. Mới đây nhất, sau một thời gian dài thống kê, với sự vào cuộc gắt gao của nhiều đơn vị, nhiều giải pháp hỗ trợ cho thương binh, bệnh binh sau khi từ bỏ xe ba bánh tự chế (chủ yếu phục vụ kinh doanh) đã được Hà Nội đề xuất với Chỉnh phủ.


Dự kiến 6 chính sách hỗ trợ

Khảo sát của Sở GTVT Hà Nội và liên ngành trong năm 2018 cho thấy, hiện nay có tổng số 1.316 người có hộ khẩu thường trú trên địa bàn Hà Nội sử dụng xe 3 bánh tự chế (tự sản xuất, tự lắp ráp) tham gia giao thông, vận chuyển hàng hoá. Trong đó có 964 thương binh, 103 bệnh binh, 249 người khuyết tật. 

Về nguyện vọng, theo thống kê có 544 trường hợp (chiếm 41,34%) có nguyện vọng giữ lại phương tiện sử dụng; 93 trường hợp (chiếm 7,07%) có nguyện vọng chuyển đổi xe; 39 trường hợp (chiếm 2,96%) có nguyện vọng chuyển đổi nghề; 114 trường hợp (chiếm 8,67%) có nguyện vọng vay vốn tạo việc làm; 119 trường hợp (9,04%) có nguyện vọng hỗ trợ việc làm; 12 trường hợp (chiếm 0,91%) có nguyện vọng hỗ trợ 1 lần; 395 trường hợp (chiếm 30,01%) có nhu cầu khác hoặc không nêu ý kiến nhu cầu cụ thể.

Xe 3 bánh tự chế trên đường phố Hà Nội.

Sau khi điều tra, nghiên cứu, Hà Nội cũng đã đưa ra 6 dự kiến chính sách ưu đãi, hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống của thương binh, bệnh binh, người khuyết tật tự nguyện từ bỏ việc sử dụng xe 3 bánh tự chế, thành phố. 

Cụ thể, đối với chủ phương tiện đang sử dụng xe 3 bánh để kinh doanh, nếu có nhu cầu đào tạo để chuyển đổi nghề mới, giới thiệu việc làm tại các cơ sở đào tạo nghề, giới thiệu việc làm thì được miễn phí đào tạo, giới thiệu việc làm, kể cả vợ (chồng), con của họ. 

Trong trường hợp xe 3 bánh tự chế của thương binh, bệnh binh, người khuyết tật nếu chỉ dùng phục vụ cá nhân trong việc di chuyển đi lại (không kinh doanh vận chuyển hàng hoá) thì được đăng kiểm miễn phí tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới do Sở GTVT quản lý. 

Thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đang sử dụng xe 3 bánh để kinh doanh nếu có nhu cầu giám định sức khoẻ để được học, cấp giấy phép lái xe môtô, xe 3 bánh thì được khám sức khỏe miễn phí tại các cơ sở y tế thuộc Sở Y tế hoặc do Sở Y tế quy định. 

Bên cạnh đó, thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đang sử dụng xe 3 bánh để kinh doanh nếu có đủ sức khoẻ theo quy định và có nhu cầu đào tạo để cấp giấy phép lái xe môtô, xe 3 bánh thì được đào tạo miễn phí tại các cơ sở đào tạo lái xe do Sở GTVT quản lý.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thương binh và người thương binh đang sử dụng xe 3 bánh nếu có nhu cầu hỗ trợ thuê mặt bằng để sản xuất kinh doanh (thay cho việc sử dụng xe 3-4 bánh tự lắp ráp kinh doanh vận chuyển hàng hoá) thì được UBND các quận, huyện, thị xã xem xét. 

Cuối cùng, Hà Nội cũng đưa thêm giải pháp nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho thương binh, bệnh binh, người khuyết tại đang sử dụng xe 3 bánh để kinh doanh tự nguyện từ bỏ xe 3-4 bánh tự lắp ráp để mua phương tiện xe tải nhỏ 5 tạ phục vụ kinh doanh vận chuyển hàng hoá.

Bổ sung chế tài tịch thu xích lô không có đăng ký hoạt động

Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ rõ những khó khăn vướng mắc. Cụ thể, trong quá trình thực hiện, một số ý kiến đề xuất tổ chức cấp đăng ký, đăng kiểm cho các xe 3 bánh, thiết kế mẫu xe 3 bánh đủ điều kiện tiêu chuẩn được đăng ký, đăng kiểm để sử dụng kinh doanh. 

Tuy nhiên, tại Quyết định số 03/2008/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT ban hành Quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe môtô, xe gắn máy ba bánh dùng cho người tàn tật thì chỉ có loại xe có thiết kế tối đa 2 chỗ ngồi (như xe môtô, xe gắn máy thông thường), không có thùng hàng phía sau, chỉ phục vụ đi lại của người khuyết tật, không sử dụng vào các hoạt động vận tải hàng hoá mới đủ điều kiện lưu hành.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo: Bổ sung chế tài tịch thu phương tiện là xích lô không có đăng ký hoạt động trên địa bàn Thủ đô vào Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ hoặc nâng mức xử phạt đối với người điều khiển loại phương tiện này khi tham gia giao thông. 

Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn, các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe môtô, xe gắn máy, xe 3 bánh dùng để kinh doanh vận chuyển người và hàng hoá. 

Đồng thời, cho phép UBND thành phố chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc chuyển đổi phương tiện, việc làm đối với thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đang sử dụng xe cơ giới ba bánh tự sản xuất, tự lắp ráp để kinh doanh vận chuyển hành khách và hàng hoá trên địa bàn thành phố; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. 

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương liên quan sớm xem xét, thu hồi đối với xe môtô, xe gắn máy để đảm bảo an toàn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.

PV
.
.
.