Đề nghị đánh giá việc đặt trạm thu phí và buýt nhanh BRT
- Hà Nội cho xe buýt thường đi vào làn đường xe buýt nhanh
- Cho phép xe buýt thường được đi vào làn buýt nhanh BTR
- Xe buýt nhanh: Khách đã tăng nhưng chưa nhiều
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm, tình hình trật tự, an toàn xã hội đã được đảm bảo; quốc phòng – an ninh được giữ vững; các lực lượng chức năng đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, giữ vững an ninh, không để xảy ra khủng bố...
Riêng về trật tự an toàn giao thông, trong 7 tháng (từ 15-9-2016 đến 15-3-2017), các đơn vị chức năng thuộc Bộ Giao thông vận tải đã quyết định xử phạt 92.127 vụ vi phạm với số tiền gần 340 tỷ đồng, tạm giữ 497 ôtô, đình chỉ hoạt động 702 bến và phương tiện thủy nội địa. Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; kết hợp vừa thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông – trật tự xã hội trong dịp Tết 2017, vừa tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề như xử lý phương tiện quá tải; phương tiện mang biển xanh vi phạm; phương tiện hết niên hạn sử dụng...
Trong 7 tháng (16-9-2016 đến 15-4-2017), lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã tuần tra, kiểm soát, xử lý gần 2,26 triệu vi phạm, Kho bạc Nhà nước thu hơn 2 nghìn tỷ đồng tiền phạt. Trong số này, trên đường bộ đã kiểm tra gần 2,15 triệu vụ (chiếm 95% tổng số vi phạm), thu gần 1,4 nghìn tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 212.239 trường hợp.
Đặc biệt, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát và phối hợp với các lực lượng chức năng, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện 1.360 vụ phạm pháp hình sự, kinh tế, ma túy trên các tuyến giao thông, bắt giữ 1.355 đối tượng.
Tai nạn giao thông tuy giảm cả 3 chỉ số nhưng vẫn diễn biến phức tạp. |
4 tháng đầu năm 2017, tai nạn giao thông giảm trên 3 tiêu chí, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê, cả nước xảy ra gần 6.400 vụ tai nạn, làm chết 2.795 người, bị thương 5.119 người. So với cùng kỳ 2016, số vụ tai nạn giảm 259 vụ (3,91%), số người chết giảm 68 người (2,38%), số người bị thương giảm 729 người (giảm 12,47%), trong đó tiêu chí giảm số người chết không đạt mục tiêu. Nguyên nhân tai nạn vẫn chủ yếu do đi không đúng phần đường, làn đường (gần 25%), vượt xe sai quy định; quy trình, thao tác lái xe kém; sử dụng bia rượu...
Đáng chú ý, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia mặc dù thống kê vài tháng năm 2017 cho thấy, tỷ lệ tai nạn do nồng độ cồn năm nay là 1,68% (năm ngoái là trên 5%), nhưng con số này có thể không phản ánh thực tế, bởi “khi tai nạn giao thông xảy ra, không thể bắt anh em CSGT vừa bảo vệ hiện trường, vừa đưa người đi cấp cứu mà còn đo nồng độ cồn được; nhưng chúng tôi lấy số liệu từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre thì cả 165 trường hợp tai nạn giao thông đến đây cấp cứu đều do cồn. Cho nên đây tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng”.
Đáng chú ý, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ: Mặc dù nhân tố con người vẫn là nguyên nhân lớn nhất trực tiếp gây nên các vụ tai nạn nói chung; những bất cập trong hành vi của người tham gia giao thông là hệ quả trực tiếp và gián tiếp của những yếu kém tồn tại trong các quy định của pháp luật; hệ thống giáo dục, tuyên truyền nói chung và đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe nói riêng; những bất cập về hạ tầng, quản lý phương tiện; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và công tác ứng phó, cứu hộ sau tai nạn. Bởi vậy, ngoài việc kiên trì nâng cao nhận thức của người dân, cần có những giải pháp đối với những lĩnh vực trên.
Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề nghị đánh giá thêm biện pháp khắc phục, xử lý tình trạng bến cóc, xe dù, đặc biệt ở Hà Nội.
“Nếu đi ra Mỹ Đình hiện nay sẽ thấy phía đối diện cửa bên trở thành 1 bến xe Mỹ Đình thứ 2, tức là ngoài bến xe còn có 1 bến xe con, vì xe bắt khách, nên những người đi xe máy cùng chiều rất dễ xảy ra tai nạn”.
Cùng với đó, đại biểu cũng nhấn mạnh “vấn đề chưa thấy đề cập trong báo cáo, nhưng dân rất nhiều nơi phản ứng – là việc đặt trạm thu phí bất hợp lý, dân không đi mà bắt người ta trả tiền. Như trạm thu phí cầu Bến Thủy – người ta chống đối bằng cách đưa toàn tiền lẻ. Nhìn theo lẽ công bằng thì thấy rõ ràng quản lý nhà nước không ổn. Đề nghị Chính phủ rà soát lại việc lập trạm thu phí để không tạo thêm điểm nóng trong xã hội. Thêm vào đó, đề nghị xử lý tình trạng xe ôtô tải chở hàng nặng đi vào đường làng để tránh cao tốc (cũng từ vấn đề trạm thu phí), vừa phá nát đường làng, tiềm ẩn tai nạn giao thông, đặc biệt là cháu bé ở vùng quê” – đại biểu nhấn mạnh.
“Tôi cũng đề nghị Chính phủ đánh giá tuyến xe buýt nhanh (BRT) của Hà Nội. Theo Luật Giao thông đường bộ, cửa xe mở tay phải, BRT là mở cửa tay trái; theo luật xe đỗ lề đường bên phải, BRT lại đỗ ở tim đường. Chưa kể đến xe này chiếm 1/3 đường, dân đang kêu ca về cách tổ chức giao thông, trong khi tiền của đổ vào đây không ít, mà đó là tiền của nhân dân” – đại biểu kiến nghị.