Dấu hiệu tội phạm trong vụ ôtô kéo lê nạn nhân ở ngã 6 Ô Chợ Dừa

Thứ Sáu, 13/04/2018, 08:17
Xe ôtô bán tải hiệu Madza mang BKS BKS 29C-817.27 đâm vào xe môtô BKS 14-P4.7473 khiến cả người và phương tiện bị lọt vào gầm ôtô. Sau khi gây tai nạn, tài xế lái xe ôtô không dừng lại mà tiếp tục nhấn ga, kéo lê người lái xe mô tô và phương tiện một đoạn dài hàng trăm mét...

Như Báo CAND đã đưa tin, vào tối 11-4, tại ngã 6 Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội) đã xảy ra một vụ việc nghiêm trọng. Lái xe Vũ Hoàng Dương (44 tuổi, trú tại phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) điều khiển ôtô bán tải hiệu Madza mang BKS BKS 29C-817.27 đâm vào xe môtô BKS 14-P4.7473 khiến cả người và phương tiện bị lọt vào gầm ôtô. Sau khi gây tai nạn, tài xế lái xe ôtô không dừng lại mà tiếp tục nhấn ga, kéo lê người lái xe mô tô và phương tiện một đoạn dài hàng trăm mét.

Danh tính nạn nhân hiện đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn được xác định là anh Đỗ Mạnh Đ. (42 tuổi, trú tại ngõ Cống Trắng, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội).

Liên quan tới vụ việc gây xôn xao dư luận này. Trên cơ sở nghiên cứu đoạn clip ghi hình lại diễn biến sự việc tại hiện trường ngã 6 Ô Chợ Dừa, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học (Bộ Công an) đánh giá hành vi của lái xe ôtô rất nguy hiểm, có dấu hiệu của tội phạm giết người, bởi căn cứ như sau:

Trước hết, đánh giá về hành vi khách quan: Khi hai xe ở tốc độ chậm (vừa dừng đèn đỏ và bắt đầu di chuyển) thì đã xảy ra va chạm. Mà ở đây lái xe ôtô đâm vào xe môtô ngay trước mũi xe mình, sau đó trèo lên cả xe môtô và rê đi. Do đó không thể nói trong quá trình lái xe ôtô di chuyển, lái xe ôtô không phát hiện ra chướng ngại vật (người đang điều khiển xe môtô). Qua đó, có thể khẳng định, người lái xe ôtô hoàn toàn biết là xe mình đã đè lên một người và phương tiện.

Nguyên tắc điều tra, xử lý án giao thông là từ lỗi suy ra tội. Để xác định hành vi nguy hiểm của người lái ôtô có phạm tội hay không, và phạm tội gì, trước tiên cần xác định lỗi của anh ta trong việc điều khiển phương tiện. Người lái xe này đã phát hiện đâm vào chướng ngại vật (mà chướng ngại vật ở đây là con người).

Luật Giao thông đường bộ buộc anh ta phải tắt máy ngay, dừng xuống kiểm tra, xem xét tình trạng nạn nhân và có biện pháp cấp cứu. Nhưng trong vụ này, lái xe đã không những không thực hiện những điều pháp luật buộc phải làm, mà còn cố tình điều khiển xe chạy như điên dại, với tốc độ cao, dù biết đang kéo dưới gầm một con người; dù biết hành vi của mình hoàn toàn có khả năng gây ra cái chết đối với nạn nhân, nhưng anh ta vẫn làm. Yếu tố chủ quan (lỗi, động cơ, mục đích) được phản ánh ra bên ngoài bằng hành vi khách quan.

Lái xe ôtô đâm vào xe môtô ngay trước mũi xe mình, sau đó cuốn cả người lái xe môtô và phương tiện vào gầm rồi kéo lê đi. Ảnh cắt ra từ clip.

Đánh giá hành động tại hiện trường của người lái xe qua đoạn clip ghi lại, thấy rõ tình tiết người lái xe mô tô mới đi ngang qua gương phía lái của chiếc ôtô thì tài xế xe này đã chủ động điều khiển xe cắt mặt xe môtô, đâm vào phương tiện làm cả người và xe bị cuốn vào gầm ôtô. Sau đó tài xế lái xe ôtô điên loạn băng qua ngã tư, dù biết một mạng người đang nguy hiểm dưới gầm xe, Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng người lái ôtô có động cơ, mục đích sát hại nạn nhân, hoặc chí ít là sự coi thường tính mạng con người (sống hay chết không quan trọng). Vì vậy, hành vi đó đã có dấu hiệu của tội giết người.

Trong trường hợp này, nếu nạn nhân chết, khởi tố về tội giết người là điều không phải bàn cãi. Còn nếu nạn nhân không chết, vẫn có thể khởi tố về tội giết người, bởi vì lái xe ôtô đã thực hiện hết hành vi quy định tại mặt khách quan của tội giết người. Việc nạn nhân không chết là ngoài ý muốn.

“Theo kinh nghiệm của mình, tôi tin rằng Cơ quan điều tra sẽ xác minh những việc xảy ra trước thời điểm xảy ra sự việc này của những người liên quan. Kết quả điều tra chi tiết sẽ giúp cho việc đánh giá ý thức chủ quan của người lái ôtô tại thời điểm gây tai nạn bỏ chạy. Quan điểm cá nhân tôi đánh giá đây không phải là một vụ gây tai nạn bỏ chạy thông thường, mà có thể giữa lái xe và nạn nhân có xích mích, mâu thuẫn với nhau trước đó. Rất có thể đó là một cú va chạm và người đi xe môtô đuổi theo ôtô yêu cầu lái xe xuống giải quyết thì sự việc xảy ra”  – Trung tá Đào Trung Hiếu chia sẻ.

Thảo Vy
.
.
.