“Đại công trường” rầm rập khai thác cát trên sông Tiền

Thứ Năm, 30/03/2017, 15:14
Những ngày cuối tháng 3-2017, trên tuyến sông Tiền, qua địa phận Đồng Tháp như “đại công trường” khai thác cát. Xáng cạp thi nhau múc cát từ dưới sông. 

Nhánh sông Tiền, qua địa bàn huyện Hồng Ngự, có vài chục sà lan, xáng cạp neo đậu “ăn cát”. 

Được biết, tỉnh Đồng Tháp cho 4 doanh nghiệp, 18 giấy phép khai thác, với tổng công suất 8,9 triệu m3/năm.

Ngoài ra, còn 3 dự án nạo nét của Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam, gồm: Dự án nạo vét trên sông Tiền, nhánh cù lao Long Khánh dài 3km (huyện Hồng Ngự) và cù lao Tây Ma dài 8,6km (huyện Thanh Bình) của Công ty CP An Điền Phát, từ đầu năm 2016 đến ngày 22-1-2017 đã nạo vét được 504.750m3 (hiện đang ngưng thi công theo công văn của Cục đường thuỷ nội địa). Dự án nạo vét sông Tiền, nhánh cù lao Long Khánh dài 5,1km (huyện Hồng Ngự) của Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội chưa được thi công do sạt lở và gặp sự phản ứng gây gắt của người dân. Riêng chỉ có, dự án nạo vét trên sông Tiền, từ xã Thanh Bình (huyện Thanh Bình) đến xã An Bình A (thị xã Hồng Ngự), dài 35km của Công ty CP địa chất và môi trường miền Nam là đang thi công. Trong năm 2016, dự án đã nạo vét được 689.965m3. 
Các sà lan neo đậu san sát cặp bờ Long Thuận (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), xã đang xảy ra sạt lở dữ dội. 
Nhiều năm nay, tuyến sông Tuyền qua huyện Hồng Ngự là điểm nóng về hoạt động khai thác cát.

Số liệu từ ngành chức năng, đến ngày 8-3, tổng các phương tiện đang khai thác và thi công nạo vét trên sông Tiền, sông Hậu qua địa phận tỉnh Đồng Tháp là 85 phương tiện. 

Trên sông Tiền là 77 phương tiện trải dài khoảng 120km (từ biên giới Campuchia đến xã An Nhơn (huyện Châu Thành, chưa tính các nhánh cù lao sông Tiền). Trên sông Hậu có 8 phương tiện, trải dài khoảng 30km, từ xã Định An (huyện Lấp Vò) đến xã Phong Hoà (huyện Lai Vung). 

Bên bờ sông sạt lở, còn giữa dòng các phương tiện đang khai thác cát. 

Công ty TNHH MTV Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp có 14 giấy phép, với tổng công suất cho phép 7,3 triệu m3/năm và 62 phương tiện. Trong đó, có 10 xáng cạp và 10 xáng guồng. Năm 2016, công ty này đã khai thác được 7,79 triệu m3, tại vị trí các mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu qua thuỷ phận các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Lấp Vò, Châu Thành, Lai Vung, Cao Lãnh, TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc.

Công ty CP Đầu tư PTN&KCN Đồng Tháp được cấp phép khai thác mỏ cát trên sông Tiền, qua thuỷ phận thuộc phường 11, xã Tân Thuận Tây, Tịnh Thới (TP Cao Lãnh), xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh), xã Tân Mỹ, xã Tân Khánh Tây (huyện lấp Vò), với 2 khu vực mỏ có tổng diện tích 1,685km2 (168,5ha). Công suất cho phép là 1,3 triệu m3/năm. Trong năm 2016, công ty đã khai thác 1,4 triệu m3, tăng 100.000m3. Ngoài ra, Công ty TNHH KTC Định Thành và Công ty TNHH Sông Hậu được cấp 3 giấy phép, với công suất cho phép là 250.000m3/năm…

"Đại công trường" khai thác cát trên sông Tuyền, qua huyện Hồng Ngự. 


Theo ông Võ Minh Tâm – Phó Giám đốc Sở TN&MT Đồng Tháp, so với trước đây tình hình khai thác cát lậu cơ bản không còn. Ngoài các giấy phép do UBND tỉnh cấp, trên địa bàn Đồng Tháp còn 3 dự án nạo nét của Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam nhưng chỉ còn một dự án đang thi công, một dự án đã dừng và một dự án bị người dân phản ứng vì đang sạt lở và tỉnh không đồng tình.

Một lãnh đạo Sở TN-MT tại một tỉnh ĐBSCL cũng khẳng định, các dự án nạo nét chính vẫn là khai thác tài nguyên là làm nguyên liệu xây dựng chứ không phải khơi thông dòng chảy. Sông Tiền, bình quân rộng khoảng 800m đến 1000m, còn luồng tàu thì khoảng 150m, chỗ nào cạn thì chỉnh phao lại cho tàu lưu thông qua chỗ sâu là được chứ không cần nạo vét. “Chỗ nào bùn đất cần nạo sâu thì họ (đơn vị thi công các dự án nạo vét đường thuỷ - PV) không chịu nạo sâu, còn chỗ nạo cạn thì lại nạo sâu vì cát đẹp, bán được”, vị này khẳng định.  


Văn Vĩnh (ảnh)
.
.
.